Mấy ngày qua, một số người dân ở phường Đông Hòa, TX.Dĩ An đã tìm đến Báo Bình Dương để khiếu nại về nội dung bản tin, ra ngày 18-9: “Cần làm rõ ranh giới đất của trường Đại học Nông Lâm TP.HCM”. Bà con bức xúc cho rằng họ không lấn chiếm đất!? Kiểm tra lại, P.V đưa thông tin này đã căn cứ theo tinh thần buổi làm việc trước đó của lãnh đạo tỉnh với Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý, sử dụng đất của trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh sau khi lắng nghe báo cáo và ý kiến từ phía các sở, ngành và địa phương đã yêu cầu các đơn vị liên quan cần nhanh chóng làm rõ ranh giới đất của nhà trường; từ quyết định, đến thực tế, địa lộ… đồng thời giao các ngành chức năng, chính quyền địa phương làm rõ nguồn gốc đất của các hộ dân xung quanh trường để xác định diện tích đất các hộ dân nào lấn chiếm, làm cơ sở báo cáo để tỉnh xem xét giải quyết. Đây là chỉ đạo rất cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc thực thi pháp luật, cũng chính là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân. Hộ nào sử dụng hợp pháp, hộ nào lấn chiếm cũng sẽ được chứng minh làm rõ. Qua giải thích về cách làm việc của nhà báo, bà con đã bớt phần gay gắt; đặc biệt họ hiểu ra phần nào về chức năng của một cơ quan báo chí.
Báo chí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với dân, là “tai mắt” của Đảng, Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Báo chí có chức năng chuyển tải những chủ trương, chính sách đến các tầng lớp xã hội; giải thích, động viên để đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Từ thực tiễn cuộc sống sinh động mà báo chí đã góp phần phản ánh những bất cập nếu có của các quyết sách ban hành; qua đó tham gia đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân. Tin tưởng vào chức năng am hiểu thông tin pháp luật, ngày càng có nhiều người dân tìm đến báo chí nhờ giúp đỡ, tháo gỡ vướng mắc và các cơ quan báo chí đều đã cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy. Báo chí nào cũng có các chuyên trang, chuyên mục; điều tra từ thư bạn đọc, trả lời pháp luật, pháp luật và cuộc sống... nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. “Mọi công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; vì vậy, bên cạnh việc trang bị những kiến thức, hiểu biết luật pháp cho người dân, báo chí còn góp phần hình thành những giá trị văn hóa pháp lý tốt đẹp, đề cao lối sống tích cực, có trách nhiệm, có hành vi ứng xử phù hợp với pháp luật, tự giác tuân thủ pháp luật và góp phần xây dựng văn hóa pháp luật cho mọi người.
Thực tế đã chứng minh, báo chí không chỉ tuyên truyền một chiều mà xa rời thực tiễn cuộc sống, hờ hững với những băn khoăn, trăn trở của người dân. Báo chí đã không ngừng đổi mới để đưa chủ trương, chính sách của Đảng đến với dân và thêm kênh thông tin để giúp công tác lãnh đạo đất nước ngày càng sâu sát, tốt hơn. Cũng thông qua báo chí, người dân có thêm điều kiện để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kể cả hiến kế, góp ý tưởng tâm huyết với Đảng. Như vậy, nói một cách khác hơn, báo chí là nơi gặp gỡ của “ý Đảng, lòng dân”.
THANH NHÀN