Có người hỏi sao vẫn mãi là miền Trung gánh chịu, sao không “nhường” bớt cho những nơi giàu có hơn? Hỏi là hỏi vậy thôi để thể hiện một tấm lòng đồng cảm. Cũng không cần phải nhắc lại làm chi những hình ảnh, những con số thống kê về thiệt hại cho thêm đau lòng. Không nhắc lại cũng bởi người miền Nam, người cả nước đã biết và đang chung lòng sẻ chia, cứu trợ.
Sẻ chia, cứu trợ hầu như suốt bao mùa mưa bão qua, người miền Trung đã “nợ” quá nhiều tấm lòng người cả nước. Cứu trợ, sẻ chia trong bão lũ, hơn ai hết người miền Trung rất cần. Nhưng để trụ vững trên mảnh đất này không gì khác đó là phải dựa vào nghị lực tự thân. Đồng nghiệp viết rằng, với miền Trung sẽ “còn mầm, nảy cây”! Vâng, đó mới là lòng lạc quan, nghị lực sống của con người nơi vùng đất nghèo khó này bởi không thể dựng xây cuộc sống mà cứ mãi trông chờ vào cứu trợ!
Miền Trung khắc nghiệt hơn mọi tưởng tượng, ai đã từng qua đó rồi sẽ hiểu. Dải đất này mùa hạ nắng rát bỏng lưng, mùa đông rét buốt da thịt, bão lũ thì kinh hoàng không thể tả. Ấy vậy mà người miền Trung vẫn sống, vẫn bám trụ bao đời nay. Sống được trên miền đất ấy nếu không là nghị lực, không là niềm lạc quan thì chẳng biết gọi tên nó là gì?
Sau bão lũ nhà cửa nát tan, hoa màu tơi tả… làng quê xác xơ. Người cả nước đồng cảm nhưng cũng đừng quá vội bi quan cho cuộc sống người dân nơi đó. Khó khăn chồng chất là điều hiển nhiên, nhưng bằng tất cả nghị lực sống, bằng sức chịu đựng phi thường, người miền Trung sẽ “bắt” cuộc sống phải nảy cành, không thể khác.
Bạn có tin không khi tôi viết những dòng này? Không tin thì cứ thử một lần xuôi ngược trên dặm đường thiên lý Bắc - Nam, qua dải đất nhỏ hẹp miền Trung trong một ngày nắng đẹp nhớ mang theo máy ảnh để ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp, thanh bình của vùng đất lắm nắng nhiều mưa này. Và khi đó hẳn bạn sẽ bớt âu lo cho cuộc sống của người miền Trung quanh năm bão lụt.
TRIỆU PHONG