Dù mới là đề xuất nhưng việc Bộ Tài chính mới đây đưa ra “sáng kiến” giảm 100.000 đồng lương cơ bản từ tháng 1 năm 2014 để giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước đã không nhận được sự đồng tình của dư luận, nhất là đối với người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Không đồng tình là phải, bởi trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, thu nhập hàng tháng chưa đủ để họ lo cuộc sống hàng ngày, nay lại bị giảm lương thì khó khăn thêm chồng chất.
Khó khăn đó có thể thấy rõ trước mắt, khó khăn lớn hơn không thể đong đếm bằng số liệu được, đó là niềm tin. Lâu nay, người lao động, công chức Nhà nước vẫn quen với việc tăng lương đều đều; dù tăng ít hay tăng nhiều thì họ cũng rất vui. Đành rằng lúc khó khăn thì việc tăng giảm lương là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng phải tính toán hợp lý, phải đặt vấn đề “an dân” lên hàng đầu chứ không thể đem bài toán kinh tế thuần túy để áp dụng cho việc này được.
Việc tiết kiệm chi đâu phải thiếu giải pháp. Giải pháp trước mắt đó là tinh giảm biên chế. Tại một buổi nói chuyện cách đây vài tháng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, có tới 30% số công chức không có cũng được, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào. Nếu cắt giảm được số biên chế này thì cũng có được một khoản để bù đắp thiếu hụt do bội chi. Còn tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, đa số các bộ hiện nay đều có số thứ trưởng nhiều hơn quy định. Các tổng cục và cục cũng trong tình trạng dư thừa lãnh đạo. Nhiều ban, ngành Trung ương cán bộ nếu không ngồi chơi xơi nước và đi họp thì chẳng biết làm gì có ích.
Giải pháp căn cơ, lâu dài là phải phòng, chống tham nhũng sao cho hiệu quả, không để xảy ra thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tiền Nhà nước như vụ Vinashin, hay những vụ rút ruột các công trình trọng điểm quốc gia đã được phanh phui, xử lý thời gian qua. Có thế, Bộ Tài chính sẽ không có “sáng kiến” giảm 100.000 đồng lương cơ bản như vừa qua. Giảm lương sẽ tăng thêm tiền cho ngân sách, nhưng giảm niềm tin thì khó lấy lại được!
HOÀNG ANH