Khó khăn tới mức, có những trường vài năm trở lại đây không tuyển được học viên nào và viễn cảnh phải đóng cửa gần như là tất yếu. Có lẽ không khó để tìm ra nguyên nhân của tình trạng này. Cách đây không lâu các trường đại học ngoài công lập đã phải xin “cấp cứu” trước nguy cơ đóng cửa bởi không tuyển được sinh viên. Bậc đại học vẫn phải chịu tình cảnh vắng sinh viên, huống gì là cao đẳng. Rõ ràng đây là bài học cay đắng của một sự phát triển trường lớp tràn lan, thiếu quy hoạch, định hướng phù hợp với thực tế.
Ở bất cứ địa phương nào, từ huyện tới tỉnh nhan nhản trường nghề, trung tâm đào tạo nghề ra đời, bất chấp nhu cầu ra sao. Phát triển trường lớp, kể cả đại học dân lập một cách vô tội vạ, không vắng học trò mới là lạ! Trên tất cả phải nói đến là chất lượng đào tạo. Đã qua rồi cái thời kiếm cho được tấm bằng lận lưng. Các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng bây giờ không dễ dãi như người ta tưởng. Bằng cấp không phù hợp, hoặc phù hợp nhưng “nghề ngỗng” không ra gì đừng hòng tìm được chỗ làm, ngoại trừ chấp nhận công việc của một lao động phổ thông.
Và có một thực tế chưa dễ thay đổi một sớm, một chiều trong suy nghĩ của số đông người Việt, đó là tâm lý quá chuộng bằng cấp. Gần như bất chấp sức học của con em mình, số đông phụ huynh cứ muốn con em của họ sau khi tốt nghiệp phổ thông là phải vào cho được đại học. Một xã hội quá chuộng bằng cấp, vậy nên hệ cao đẳng nghề, trung cấp nghề dù có chuyên nghiệp đi chăng cũng không mấy ai muốn vào. Xã hội đang “thừa thầy, thiếu thợ” là thực trạng buồn. Khổ thay, có nhan nhản sinh viên đại học ra trường đang thất nghiệp.
Cứu “bệnh nhân” cao đẳng, thậm chí là đại học dân lập bằng cách nào? Không cách nào khác ngoài việc chú trọng chất lượng đào tạo và căn cứ trên nhu cầu thực tế để mở trường, mở lớp. Và người học, hãy tự lượng sức mình để chọn một cấp học phù hợp chứ đừng quá trọng bằng cấp như đã thấy. Mùa tuyển sinh cũng đã sắp bắt đầu, thí sinh hãy chọn cho mình những gì phù hợp nhất cho tương lai, để khỏi lãng phí thời gian và tiền của.
TRIỆU PHONG