Các cấp công đoàn: Nỗ lực tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động

Cập nhật: 22-08-2018 | 08:39:49

 Với ý nghĩa nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân lao động (CNLĐ), thời gian qua các cấp công đoàn luôn nỗ lực tuyên truyền, tư vấn pháp luật. Hoạt động này góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xung đột đình công, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Tuyên truyền trực tiếp

Có mặt tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore để tham dự buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động, chúng tôi bất ngờ khi nhiều công nhân còn mơ hồ về một số luật, như: Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Lao động, Luật Giao thông đường bộ... Công nhân Nguyễn Tấn Dương làm việc tại Công ty TNHH Sài Gòn Knitwear, đặt câu hỏi: Khi công nhân đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ được tính BHXH như thế nào? Hay công nhân Lê Thị Thùy làm việc tại Công ty TNHH sản xuất sơn Phoenix Việt Nam, thắc mắc: Lao động nữ đóng BHXH bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu? Còn công nhân Nguyễn Văn Dũ làm việc tại Công ty TNHH Cpac Monier Việt Nam lại hỏi người lao động (NLĐ) có quyền lợi và nghĩa vụ gì khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp? Ấn tượng hơn cả là trường hợp của chị Đặng Thị Hiên, công nhân Công ty TNHH vật liệu băng keo Nitto Denko Việt Nam. Chị Hiên trước đây làm công nhân bao bì tại một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất, phân phối các sản phẩm bao bì. Có thâm niên công tác 7 năm và tham gia đóng BHXH liên tục từ đó đến nay, nhưng khi xin thôi việc, chị Đặng Thị Hiên không được thanh toán bất cứ một khoản gì ngoài tiền lương thời gian chị đã làm việc tại đó. Do không hiểu rõ quyền lợi mình được hưởng, nên chị Hiên cũng không thắc mắc, đòi hỏi gì. Chỉ đến khi tham dự buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật chị Hiên mới biết rằng khi NLĐ đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp đủ 12 tháng trở lên và chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng phụ cấp lương (nếu có).

Cán bộ công đoàn phát tờ rơi tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho CNLĐ trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore

Không chỉ những trường hợp nêu trên, tại buổi tư vấn còn có rất nhiều thắc mắc của NLĐ đã được cán bộ công đoàn, BHXH, các luật sư trả lời cụthể, chi tiết. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Quang, công nhân Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam, cho biết: “Công đoàn công ty cótổ tư vấn pháp luật và khi công nhân có những thắc mắc liên quan đến pháp luật, công đoàn công ty sẵn sàng giải đáp. Tuy nhiên, tôi luôn muốn có những giải đáp của những người đúng chuyên môn một cách khách quan hơn”.

Nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 1 triệu CNLĐ, phần lớn là CNLĐ ngoài tỉnh. So với những năm trước việc quan tâm, tìm hiểu về chính sách pháp luật của NLĐ đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm các chế độ chính sách đối với NLĐ, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, FDI còn khá phổ biến. Cụ thể, từ phía người sử dụng lao động, vẫn còn tình trạng ký hợp đồng lao động không đúng quy định, không ký kết thỏa ước lao động tập thể, chưa xây dựng thang, bảng lương, quy chế nâng lương, thưởng, buộc công nhân làm tăng ca quá giờ quy định, xây dựng định mức lao động quá cao, không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, chưa thực hiện đầy đủ các chế độ thù lao làm việc trong môi trường độc hại, chế độ cho lao động nữ... Từ phía NLĐ, do kém hiểu biết pháp luật, nhất là những kiến thức liên quan đến quyền và nghĩa vụ nên việc chấp hành nội quy, quy chế, kỷ luật lao động còn hạn chế, dẫn đến tình trạng công nhân bị người sử dụng lao động áp dụng các hình thức xử phạt, gây nên sự bức xúc dẫn đến tình trạng tranh chấp, đình công.

Theo tìm hiểu, hoạt động tuyên truyền thường được công đoàn tổ chức vào giờ tan ca, nghỉ giữa ca tại doanh nghiệp, khu nhà trọ hay khu công nghiệp. Cán bộ tư vấn pháp luật công đoàn lựa chọn thời gian phù hợp vận động chủ sử dụng lao động cho tiếp xúc với CNLĐ ngay tại cơ sở sản xuất. Nhiều nơi, cán bộ công đoàn xuống tận khu nhà trọ vừa nắm bắt tình hình tư tưởng, vừa tuyên truyền pháp luật. Từ việc ngại đểcán bộ công đoàn tư vấn pháp luật lao động, nhiều chủ doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực. Có địa phương, đơn vị còn đề nghị đặt riêng một chương trình tư vấn nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho CNLĐ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã kết hợp tuyên truyền với tư vấn pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân. Có thểthấy rằng, mục đích của việc tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho NLĐ nhằm từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giúp NLĐ giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật, hạn chế thấp nhất tình trạng xung đột, đình công trong doanh nghiệp”.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=473
Quay lên trên