Thông tư số 26/2013/TT-BLĐ-TB&XH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục 77 công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không được sử dụng lao động nữ (LĐN) chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12-2013. Thông tư quy định 38 công việc áp dụng với tất cả LĐN, 39 công việc áp dụng với LĐN có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Kể ra mới thấy, những công việc đó đã được các cơ quan quản lý tìm hiểu rất kỹ, thấy rõ sự nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, không phù hợp với nữ giới nên không được sử dụng LĐN.
Hiện nay, cả nước có gần 30 triệu LĐN và mỗi năm con số này lại tăng thêm khoảng nửa triệu. Do thiên chức nên phụ nữ thiệt thòi hơn nam giới trong cơ hội học tập và tìm việc làm. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nếu mở rộng danh mục không được sử dụng LĐN thì vấn đề việc làm cho họ lại càng thêm thách thức. Những công việc như cạy bẫy đá trên núi, ngâm tẩm da, muối da, bốc dỡ da sống, chế biến lông vũ trong điều kiện hở, nạo vét cống ngầm, công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối, dễ bị nhiễm trùng, mang vác nặng trên 50kg (trên 20kg với phụ nữ có thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi)… theo quy định không được sử dụng LĐN, nhưng trên thực tế các công việc đó đều có phụ nữ làm. Lý do đơn giản là hầu hết LĐN đều là những người có thu nhập thấp, trình độ dân trí không cao, khó có khả năng tìm được các công việc khác phù hợp với giới tính.
Một vấn đề đáng bàn nữa khi Thông tư số 26 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực, không cho phép việc thực hiện các công việc này, những người phụ nữ đó có khả năng lâm vào tình trạng thất nghiệp rất cao và khó lòng bảo đảm cuộc sống. Do đó, pháp luật không nên tước đi quyền được lựa chọn công ăn việc làm của LĐN trong trường hợp họ có nhu cầu và thỏa mãn đầy đủ năng lực.
Đối với đơn vị sử dụng lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã... có nhu cầu thuê mướn người lao động làm các công việc trong danh mục cấm sẽ bị động, lúng túng trong vấn đề quản lý người lao động và việc thuê mướn, giải quyết việc làm cho LĐN sẽ trở nên khó khăn hơn trước đây .
Cho nên, thay vì đưa ra quy định những công việc mà phụ nữ không được làm thì hãy nỗ lực tạo ra nhiều công việc để khuyến khích phụ nữ được tham gia, đó cũng là một cách để thực hiện bình đẳng giới. Và vì vậy, danh mục 77 việc làm cấm sử dụng LĐN với mục đích bảo vệ quyền lợi nữ giới khi áp dụng vào thực tế sẽ khó khả thi, bởi danh mục này sẽ làm cho phụ nữ không chỉ ít cơ hội để làm việc mà nhiều người còn có thể bị tái nghèo.
MAI HUY