Cần chấm dứt tình trạng hủy hoại môi trường

Cập nhật: 09-07-2015 | 10:01:53

Song hành với công nghiệp hóa, Bình Dương đang đẩy nhanh quá trình đô thị hóa gắn với bảo vệ môi trường. Mục tiêu của Bình Dương thời gian qua và những năm tiếp theo là xây dựng Bình Dương trở thành một thành phố xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực xây dựng của chính quyền và người dân vẫn còn đó một bộ phận vì lợi ích riêng mà hủy hoại môi trường, biến những con kênh xanh thành kênh chết, biến những vùng đất xanh, sạch thành những bãi rác công nghiệp!

 Thông tin về vụ đổ trộm chất thải công nghiệp ở khu rừng chồi ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng trên trang phóng sự mà báo Bình Dương nêu vào cuối tuần qua là một ví dụ cụ thể của kiểu làm ăn gian dối, do một công ty xử lý chất thải gây ra, khiến dư luận bức xúc. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng tấn chất thải công nghiệp “bỗng dưng” xuất hiện và biến bãi đất trống ở ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng thành bãi rác công nghiệp. Điều đáng nói là số chất thải này lại do chính một công ty xử lý chất thải đưa từ nơi khác đến. Khi bị người dân phát hiện, ngăn cản thì những tài xế của công ty này còn giở thói côn đồ lên tiếng thách thức! Chỉ khi chính quyền vào cuộc thì việc đổ trộm chất thải công nghiệp ra môi trường của công ty này mới tạm dừng, nhưng hậu quả hàng tấn chất thải gây ra với vùng đất này vẫn chưa được giải quyết.

Bên cạnh vấn nạn đổ trộm chất thải ra môi trường, vẫn còn đó không ít công ty do sợ tốn kém trong khâu xử lý mà lợi dụng lúc trời đổ mưa lớn là lén xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Chính vì vậy mà không ít con kênh xanh đã trở thành kênh chết! Cùng với các vấn nạn nói trên là tình trạng những bánh xe tải nặng nghiền nát thành quả và công sức của bao người. Chỉ vì né trạm cân, né trạm thu phí, không ít những tài xế xe tải đã cam tâm phá nát những con đường giao thông nông thôn mà người dân bao năm chắt chiu đóng góp để xây dựng! Chưa hết, những cây cầu đẹp vừa được xây dựng là ước mơ bao đời của người dân tại một số địa bàn vùng sâu cũng đang ngày đêm oằn mình “cõng” những chiếc xe tải nặng và nhanh chóng xuống cấp…

Đổ trộm chất thải công nghiệp ra môi trường; xả lén nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch… là những hành vi đem lại lợi ích riêng cho một bộ phận, mang tính phá hoại và hậu quả thì người dân và chính quyền phải gánh chịu. Để giải quyết các vấn nạn nói trên, chính quyền địa phương đã phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục. Cái lợi tư nhân đút túi, còn thiệt hại thì thuộc về người dân và chính quyền! Mặc dù chính quyền đã vào cuộc, ý thức của người dân đối với việc bảo vệ môi trường đã được nâng lên, nhưng rõ ràng đây vẫn là cuộc chiến không cân sức, bởi không ai đủ sức giám sát suốt ngày đêm những hành vi của kẻ phá hoại.

Tình trạng người xây, kẻ phá ở đâu và thời nào cũng có nếu việc xử phạt không đủ mạnh. Do vậy, bên cạnh việc xây dựng ý thức, cần có hình thức phạt nặng những vụ việc được phát hiện để răn đe. Cụ thể, đối với vụ đổ trộm chất thải ra môi trường tại ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng bên cạnh buộc doanh nghiệp khắc phục hậu quả, cần thu hồi giấy phép hành nghề và truy tố chủ doanh nghiệp. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng người xây, kẻ phá!

 

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Bình Dương còn nhiều công ty không xử lý nước thải mà xả thẳng xuống lòng đất.
nguyen thi nhi (Cách đây 9 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=834
Quay lên trên