Một thành viên trong đoàn là sinh viên của trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị đã gặp phần thi khá hóc búa: Lắp đặt hệ thống ống nước theo chiều thẳng đứng; trong khi ở trường, em chỉ được học cách lắp đặt ống nước trên mặt phẳng. Đến công đoạn gắn kết các mối nối ống nước bằng kỹ thuật ép nén là hoàn toàn xa lạ, bởi khi ở trường chỉ dạy kỹ thuật nối ống bằng phương pháp hàn xì thủ công; chưa kể là khi buộc thí sinh phải sử dụng máy cắt thanh thép, máy uốn ống nước… rất hiện đại mà sinh viên trường nghề của ta thì “chưa từng thấy bao giờ”! Đặc biệt, trong khi thí sinh từ các quốc gia châu Âu vào cuộc thi với phong thái tự tin, tác phong chuyên nghiệp thì đoàn thí sinh Việt Nam mang đầy tâm trạng lo âu và khá run tay!
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy thí sinh Việt Nam còn nhiều hạn chế khi tiếp cận với công nghệ mới, máy móc hiện đại. Mà việc này chủ yếu là việc của các “lò” đào tạo, của các trường nghề còn thiếu thốn trang thiết bị, phương tiện, học cụ hiện đại giúp cho học viên làm quen với máy móc, công nghệ mới. Bởi xét cho cùng thì chất lượng tay nghề, thợ giỏi đều do cách thức, điều kiện đào tạo mà ra; nếu như nhà trường chỉ dạy “chay”, chăm bẵm cho học viên thực hành chỉ để củng cố phần lý thuyết suông đã học mà không hướng nổi đến mục tiêu: Thực hành để tiếp cận máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến và rèn luyện kỹ năng làm việc như người thợ thực thụ thì riêng khâu đào tạo thợ lành nghề xem ra đã khó, nói gì đến chất lượng đội ngũ thợ giỏi, có tay nghề cao.
Trong điều kiện còn khó khăn nhất định, thiết nghĩ các trường nghề trên địa bàn tỉnh cũng cần tính toán đầu tư trang thiết bị, phương tiện cần thiết khả dĩ đáp ứng yêu cầu dạy nghề sát hợp; biết cách tranh thủ sự giúp đỡ của các doanh nghiệp có trang bị máy móc hiện đại sẵn lòng tiếp nhận số học viên của các trường nghề đến tham quan dây chuyền sản xuất, thỉnh giảng số chuyên gia của họ tham gia giảng dạy, cung cấp tài liệu chuyên môn… tạo điều kiện cho các học viên đến thực tập để được bổ sung kinh nghiệm thực tế; đồng thời tham khảo thêm về cách đánh giá, xây dựng chuẩn đầu ra cho học viên. Bằng các giải pháp tích cực và đồng bộ khác nữa, thì mới hy vọng việc đào tạo đội ngũ thợ của chúng ta bắt kịp công nghệ mới; bảo đảm cho số học viên vừa rời ghế nhà trường có thể thích nghi với công việc, đúng ngành đào tạo. Người thợ không chỉ có nắm lý thuyết cũ chung chung; buộc doanh nghiệp nếu có yêu cầu sử dụng nhất thiết đều phải đào tạo lại thì “rất oải”!
Ra nước ngoài thi thố ở tầm cỡ quốc tế thế này, cứ xem như là lần “ra biển lớn” để có dịp nhìn lại mình; rút kinh nghiệm của thiên hạ mà tìm cách học tập, nỗ lực vươn lên thì mới tiến bộ.
THANH NHÀN