Cần “điểm mặt” công ty chuyển giá

Cập nhật: 29-01-2013 | 00:00:00

 Để thực hiện chống chuyển giá, trong những năm qua ngành thuế đã tiến hành nhiều cuộc thanh kiểm tra các DN “nghi ngờ” và hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế đã được truy thu về cho ngân sách Nhà nước. Tính đến thời điểm này, danh sách các DN FDI “nghi ngờ” chuyển giá đã được mở rộng, bao gồm nhiều “ông lớn”, như: Coca-Cola, PepsiCo, Adidas, BigC, Keangnam Vina… Lý do cơ quan thuế “nghi ngờ” chuyển giá là do các DN này liên tục báo lỗ nhiều năm. Một điểm đáng chú ý trong danh sách các DN “nghi ngờ” chuyển giá là đã xuất hiện cả những DN không hề lỗ, thậm chí có lãi và đóng thuế cao, điển hình là trường hợp của Unilever. Điều đáng tiếc là danh sách này không hề đề cập đến nội dung chuyển giá, mà chỉ là sự đánh động của cơ quan thuế về một cuộc tổng kiểm tra và xử lý các hành vi gian lận thuế. Số vụ thanh kiểm tra, số DN FDI bị thanh kiểm tra chỉ được ngành thuế công bố chung chung và số tiền phạt cụ thể của từng DN cho đến nay vẫn chỉ là “dữ liệu nội bộ” của ngành này.

Mặc dù chỉ mới vào cuộc bằng cách đưa vào “tầm ngắm” là DN gian lận thuế, nhưng nhiều DN FDI đã tỏ ra lo sợ cho hình ảnh của DN và thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Ví dụ trường hợp của Unilever, một khi được đưa vào “tầm ngắm” trốn thuế, hình ảnh của Unilever có thể sẽ thay đổi từ một DN trách nhiệm với cộng đồng mà đơn vị này đã cố công gầy dựng thành một DN “hai mặt”. Do vậy, mới đây Unilever đã công bố “kế hoạch phát triển bền vững” tại Việt Nam, một phần trong chiến lược cùng tên được triển khai trên toàn cầu với “cam kết cải thiện cuộc sống của 20 triệu người dân Việt Nam bằng cách cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho mọi người”. Điều đó cho thấy, hình ảnh của DN và thương hiệu sản phẩm là vô cùng quan trọng đối với DN.

Có lẽ các DN FDI từng thực hiện việc chuyển giá để trốn thuế hiểu rõ hơn ai hết về những báo cáo tài chính mà họ đã và đang lập trong nhiều năm qua. Mặc dù liên tục đưa ra các kiến nghị về việc xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, nhiều DN FDI vẫn tỏ ra lo sợ nếu cơ quan thuế vào cuộc quyết liệt hơn. Do vậy, cùng với việc ban hành các chính sách thuế rõ ràng, sử dụng công cụ thanh kiểm tra hiệu quả thì việc chính thức “điểm mặt” các DN chuyển giá bằng văn bản và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, ngành thuế cũng cần chú ý là không nên vịn vào lý do chống chuyển giá để dồn dập mở những cuộc thanh kiểm tra, nhất là đối với những DN FDI mới “chân ướt chân ráo” đến làm, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=301
Quay lên trên