Những ngày này, không khí mua bán chợ tết đã xôn xao. Bên cạnh sự phong phú, dồi dào của hàng hóa tết, các bà nội trợ cũng khá băn khoăn khi chọn lựa bởi thông tin về hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng cứ liên tục được nêu lên trên các phương tiện truyền thông. Hàng hóa tết không thể không mua, nhưng ai nấy đều trăn trở: Làm sao để mình không phải là nạn nhân của giới kinh doanh hàng dỏm, kém phẩm!?
Nỗi lo trên của người tiêu dùng (NTD) không phải là thừa, khi một lượng lớn hàng nhái, quá đát, mất vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm trọng vừa tiếp tục được phát hiện tại TP.HCM, trong đó có nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ tết như bánh mứt, nem, chả, các loại nấm, trái cây khô... đã bốc mùi hôi thối nhưng được “tái chế” sang bao bì mới rồi tung ra thị trường. Không chỉ vậy, năm nay thị trường rượu mạnh cũng gây nhiều lo ngại khi số lượng hàng giả loại này diễn biến phức tạp. Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, rượu mạnh là loại hàng bị làm giả nhiều nhất dịp tết, chiếm tới 25% các loại hàng giả vì siêu lợi nhuận. Lâu nay nhiều người nghĩ rằng, nếu uống nhầm rượu giả, rượu nhái cùng lắm chỉ bị “mất tiền vô lý” chứ ít ngờ rằng rượu giả là thủ phạm chính gây nên các vụ ngộ độc rượu, rất độc hại cho bộ máy tuần hoàn, hô hấp, thần kinh của con người và là nguyên nhân của nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, mất trí nhớ, dị tật thai nhi... Thậm chí, ngay cả một mặt hàng vốn rất dồi dào và dễ mua như bột ngọt mà gần đây tỷ lệ làm giả cũng tăng lên đáng kể, làm cho NTD cảm thấy... chóng mặt lây!
Có một cụm từ mà gần đây ta hay nghe nhắc tới, đó là “NTD thông thái” - ý nói mỗi NTD hãy trang bị đủ kiến thức để sáng suốt chọn lựa cho mình những mặt hàng phù hợp, bảo đảm chất lượng. Thế nhưng, trong khi thị trường hàng gian, hàng giả còn diễn biến phức tạp như hiện nay thì đó là vấn đề khó đối với không ít NTD. Thời buổi cạnh tranh, bên cạnh sự kiểm soát của cơ quan chức năng và ý thức của mỗi NTD thì chính các doanh nghiệp (DN) cũng phải tăng cường tiếp cận, cung cấp thông tin hàng hóa, sản phẩm cho NTD một cách kịp thời, đầy đủ nhằm tránh nhầm lẫn với hàng dỏm, hàng kém chất lượng. Sản xuất và phân phối hàng hóa chưa phải là hết trách nhiệm rồi “đứng ngoài cuộc” thu lợi nhuận, mà DN còn phải tích cực trang bị cho mình “bộ áo giáp” chắc chắn trước vấn nạn hàng giả, hàng dỏm bằng cách gắn kết với các kênh tiếp nhận, phản hồi của NTD. Nói cách khác, việc DN có trách nhiệm, đồng hành với NTD nhiều hơn cũng chính là nhằm thể hiện thế mạnh và bảo vệ thương hiệu của mình.
Mới đây, thương hiệu gốm sứ Minh Long I (Bình Dương) đã tiếp tục được chắp cánh bay xa khi DN này ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm trên máy bay với Tổng Công ty Hàng không Vietnam Airlines. Tất nhiên, để có được uy tín, thương hiệu nổi tiếng cỡ như Minh Long I là điều không dễ, nhưng có thể thấy rằng, một khi DN đã chủ động làm ăn uy tín, phục vụ chu đáo, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và không ngừng phấn đấu hoàn thiện mình thì chắc chắn sẽ thành công. Bất kỳ sự làm ăn gian dối, chụp giựt kiểu hàng gian, hàng dỏm ngày tết rồi cũng sẽ bị tẩy chai, thu hẹp nếu như có sự chung tay góp sức một cách tích cực từ 3 phía: Nhà nước, NTD và các DN chân chính.
* V.C