Báo Bình Dương số ra ngày 5-11 có bài “Xung quanh vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản” phản ánh thực tế của Công ty Cổ phần Dân Sinh ở phường Phú Mỹ, TX.TDM trong hoạt động sản xuất - kinh doanh đã gặp rủi ro, mắc nợ ngân hàng (NH) và được tòa tuyên xử kê biên toàn bộ tài sản để thi hành án. Căn cứ theo trình tự pháp luật thì các cơ quan chức năng đã hành xử kiên quyết và đúng luật; song biện pháp này cũng cần xem xét vận dụng linh hoạt để gỡ thế bí cho doanh nghiệp (DN) thoát khỏi nguy cơ phá sản đang chực chờ ngày một!
Năm 2003, Công ty Dân Sinh đã vay nợ của NH N. ở TP.HCM khoản vay là 50 tỷ đồng và 3.000 lượng vàng SJC để mở mang đầu tư, phát triển sản xuất mặt hàng chế biến gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tạo công ăn việc làm cho hơn 800 lao động. Việc làm ăn bước đầu tuy có thuận nhưng lợi thì chưa, thế nên khi đến hạn trả nợ vào năm 2007, DN lâm vào thế “dở khóc dở mếu”, không đủ tiền để trả khiến NH N. phải đưa vụ việc ra tòa. Tòa đã tuyên xử: Buộc Công ty Dân Sinh phải trả cho NH N. hơn 69 tỷ đồng tiền nợ gốc, lãi và hơn 3.000 lượng vàng SJC. Tuân thủ pháp luật, tháng 8-2008, Công ty Dân Sinh đã trả bớt nợ cho NH N. được 18 tỷ đồng; thế nhưng số tiền này đã không được NH tính vào khoản trả nợ gốc mà đem khấu trừ vào các khoản lãi phát sinh. Với cách tính này đã đẩy DN lâm vào tình huống “lãi mẹ đẻ lãi con”, lún sâu vào thế bí; đã vậy giá vàng lúc vay chỉ là 8 triệu đồng/lượng thì giờ đã tăng lên hơn 4 lần! Nghiệt ngã hơn, Công ty Dân Sinh trong tình thế này cũng không thể vay vốn ở bất kỳ NH nào khác bởi vì toàn bộ tài sản của DN đã được thế chấp!
Lúc này, các đơn hàng ở nước ngoài tìm đến ký kết làm ăn; vì vậy Công ty Dân Sinh nỗ lực tìm nhà đầu tư hợp tác, huy động vốn, tiếp tục vượt khó bằng cách tăng cường sản xuất, tính chuyện mở mang xuất khẩu sản phẩm, nhằm từng bước khắc phục công nợ; bởi cơ quan Thi hành án đã trả lời “Quyết định kê biên chỉ cấm chuyển dịch, chuyển nhượng tài sản chứ không buộc công ty ngưng hoạt động...”.
DN phấn khởi lập các thủ tục và đã được bảo lãnh, ký quỹ tại NH với số tiền tương đương giá trị của từng lô hàng xuất khẩu... song đến khi chuẩn bị đưa sản phẩm xuất khẩu thì ngành chức năng buộc DN tạm ngưng, yêu cầu “nộp tiền trước” với khoản nộp cho mỗi lần là hàng chục tỷ đồng; trong tình cảnh này chạy tiền để nộp quả thật gian nan! Thế nên, số lượng hàng hóa chờ xuất khẩu giờ đây phải tồn kho chất đống, chưa kể thiệt hại về vi phạm hợp đồng theo đơn hàng là không nhỏ!
Các biện pháp chế tài của ngành chức năng là không trái luật, song “không cho xuất khẩu” hay đúng hơn là “không tạo điều kiện để xuất khẩu hàng hóa” là biện pháp xem ra chưa thấu tình, đạt lý! Thiết nghĩ cần được xem xét theo hướng hỗ trợ, giúp DN tháo gỡ phần nào bế tắc trong việc làm ăn. Với những nghiệp vụ quản lý hiệu quả của NH và ngành chức năng, chắc rằng không khó khăn lắm khi quản lý nguồn tài chính của DN, khấu trừ vào khoản nợ vay. Theo Luật Thi hành án dân sự có quy định “Việc thi hành án có thể tiến hành bằng nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp thỏa thuận giữa các bên, không nhất thiết là cưỡng chế, kê biên...”. Tất nhiên để có được sự cảm thông, vận dụng linh hoạt, đề ra giải pháp tích cực hỗ trợ DN vượt khó cũng cần thẩm tra xem cung cách làm ăn có tử tế và chân chính!?
THANH NHÀN