Chờ đợi một Vinashin mới

Cập nhật: 22-11-2010 | 00:00:00

Theo quyết định của Thủ tướng, việc tái cơ cấu Vinashin được thực hiện trên cơ sở không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế; duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính. Bên cạnh đó, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, đồng thời bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã và đang đầu tư; thu hồi tối đa các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính để tập trung cho phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển.

Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý... tranh luận xung quanh sai phạm ở Vinashin. Có ý kiến cho rằng tình hình ở Vinashin là rất nghiêm trọng, nếu giải quyết không ổn sẽ khiến người dân phải gánh các khoản nợ khổng lồ do tập đoàn này gây ra, bên cạnh đó cũng có ý kiến nhận định tình hình không đến mức bi thảm như vậy vì số nợ trên 86.000 tỷ đồng chưa mất đi, vẫn còn nằm trong các tài sản, dự án của Vinashin. Nhưng dù thế nào đi nữa thì tất cả ý kiến đều thống nhất phải làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, cá nhân có liên quan trong quá trình thua lỗ cũng như nhanh chóng có giải pháp “cứu” Vinashin đang bên bờ vực thẳm. Có 2 lý do chính để làm điều ấy: Thứ nhất là để bảo toàn số vốn quá lớn mà Nhà nước đã rót hoặc bảo lãnh cho Vinashin không bị thất thoát; thứ hai là nhằm đạt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trong quá trình phát triển nói chung và phát triển kinh tế nói riêng, ta đã từng mắc khuyết điểm như chủ quan, nóng vội... nhưng tất cả đều được nghiêm khắc sửa chữa. Đối với Vinashin bây giờ cũng vậy, tập đoàn này ra đời trong hoàn cảnh Việt Nam đang bắt đầu phát triển mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước, chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm. Điều quan trọng là những khuyết điểm này cần sớm được phân tích, “chẩn đoán” cho đúng “bệnh”, trên cơ sở đó kịp thời khắc phục, chuyển đổi cho phù hợp cả về tư duy lẫn cơ chế. 

Từ nay đến năm 2013 không còn bao lâu, người dân đang trông đợi sẽ thấy được những chuyển biến tích cực về một Vinashin mới sau tái cơ cấu. Việc làm ấy chính là câu trả lời thỏa đáng nhất của Chính phủ và các bộ ngành có liên quan trong việc khắc phục hậu quả nặng nề mà Vinashin đã gây ra, đồng thời cũng cần xem đây là một điển hình trong đổi mới doanh nghiệp Nhà nước vì ngoài Vinashin, toàn quốc còn có tới 7 tập đoàn kinh tế Nhà nước khác đang bước vào quá trình phát triển.

V.C

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=252
Quay lên trên