Cần lắm! Đạo đức trong kinh doanh...

Cập nhật: 13-09-2012 | 00:00:00

Theo quyết định mới nhất của liên Bộ Tài chính - Công Thương, “sẽ không tăng và giữ ổn định giá bán lẻ tất cả các chủng loại xăng, dầu như hiện hành”. Thậm chí, ngoại trừ xăng giữ mức thuế nhập khẩu 12%, còn lại dầu diesel, mazut và dầu hỏa đều đồng loạt giảm 2% thuế nhập khẩu; đồng thời cũng từ 11-9, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối còn được sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu là 500 đồng/lít.

Như vậy, với quyết định “phúc đáp” nêu trên của liên Bộ Tài chính - Công Thương sau khi các DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối đồng loạt “đòi” tăng giá vào ngày 10-9 thì giờ đây, người tiêu dùng (NTD) có thể tạm thở phào nhẹ nhõm. Nói gì thì nói, việc xăng nhấp nhổm tăng giá trong mấy ngày qua vẫn là chủ đề được bàn tán, quan tâm của rất nhiều người, bởi từ NTD đến các DN sản xuất, kinh doanh, vận chuyển... đều đang phải loay hoay xoay sở với liên tiếp 3 đợt tăng giá xăng trong tháng 8-2012 và 1 đợt trước đó vào tháng 7-2012. Do vậy, quyết định chưa tăng giá xăng dầu lần này của liên Bộ Tài chính- Công Thương được xem là một quyết định “đẹp”, có cân nhắc, như lời giải thích kèm theo: Hiện nay giá xăng dầu thế giới tăng cao và diễn biến bất thường, DN nhập khẩu xăng dầu đầu mối đã lỗ; mặc dù theo quy định các DN kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít nhưng liên bộ tạm thời chưa tính mức lợi nhuận này để chia sẻ khó khăn với người sản xuất và NTD. Mặt khác, nhiều chuyên gia còn cho rằng, nếu tăng giá theo đề xuất, trước mắt có thể giải quyết được khoản lỗ cho các DN kinh doanh xăng dầu nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giá xăng dầu liên tiếp sẽ tạo sự ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống NTD, giới sản xuất và cả nền kinh tế.

Trong khi đó, cũng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, theo thống kê mới đây từ Cục Quản lý thị trường, có đến 136 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc viện lý do hết xăng để bán vì đầu mối không cung cấp, chiếm đến 64% tổng số các trường hợp ngừng bán vừa qua. Hiện nay cục đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân này có đúng thực tế hay chỉ là chiêu thức găm hàng chờ thời cơ tăng giá bán. Tất nhiên thực tế thế nào thì hầu như ai cũng hiểu, vấn đề là có tìm đủ bằng chứng để xử lý vi phạm hay không. Thế nên khi xem đi xem lại hình ảnh các cây xăng treo biển đóng cửa trước giờ G với đủ thứ lý do, NTD càng thêm bức xúc trước một hiện tượng làm ăn bất minh, đục nước béo cò đã diễn ra nhan nhản từ lâu nhưng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Chưa kể đến việc NTD có bị đong thiếu hay không trước các thủ thuật gian lận ngày càng tinh vi thì chỉ mỗi việc đóng cửa găm hàng đã cho thấy hành vi thiếu “fair-play” - chơi không đẹp của các chủ cây xăng. Những hành vi ấy, một mặt cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mặt khác cũng rất đáng bị lên án, tẩy chay như một cách bài trừ từ dư luận xã hội, từ chính NTD.

Thị trường xăng dầu nước ta đang vận hành theo cơ chế thị trường, trong “sân chơi” ấy có một số hiện tượng thiếu lành mạnh, không “fair-play” rất cần được chấn chỉnh cho đi vào nề nếp - phải biết tuân thủ “luật chơi”, không thể chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích của chính mình mà làm lơ, thiếu tôn trọng NTD!

Cần lắm! Đạo đức trong kinh doanh...

 Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=304
Quay lên trên