Cần những người như thế!

Cập nhật: 15-08-2013 | 00:00:00

Thật sự khi đọc bài báo viết về câu chuyện của chị - một cán bộ đang công tác tại khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), tôi đã cảm thấy vô cùng xúc động xen lẫn sự cảm phục!

Sự thật mà chị - người phụ nữ ấy sau thời gian cân nhắc, đấu tranh tư tưởng, cuối cùng đã quyết tâm phơi bày cách làm ăn tắc trách của lãnh đạo cơ quan mình cùng một số nhân viên cấp dưới thiếu tinh thần trách nhiệm, gian lận kết quả xét nghiệm, dù biết rằng mình sẽ đương đầu với những khó khăn, áp lực chồng chất.

Và quả thật, ai không khỏi giật mình khi biết chuyện, bởi từ trước đến nay chúng ta vẫn thường nghe nói “Lương y như từ mẫu”, lời thề Hypocrate… trong ngành y, vậy mà ở khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - nơi chị công tác, việc gian lận kết quả xét nghiệm bắt đầu diễn ra từ tháng 7-2012 khi giám đốc bệnh viện này cho chia tách khoa Xét nghiệm làm 2 bộ phận: xét nghiệm cho bệnh nhân nội trú ở tầng 2, tầng 1 tiếp đón thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân ngoại trú.

Điều khiến mọi người đau lòng là rất nhiều mẫu máu của người bệnh chuyển đến để xét nghiệm đã bị bỏ đi. Một kết quả xét nghiệm huyết học, sinh hóa lại được tận dụng in thêm để cùng trả cho 1, 2 người khác, thậm chí là 3 người… Mỗi lần lấy máu, các cháu bé khóc, giãy giụa vì sợ hãi, vậy mà người làm xét nghiệm lại thẳng tay vứt mẫu máu đó đi, in ra một kết quả khác hoàn toàn từ một mẫu máu của người xa lạ. Đã có cả ngàn mẫu xét nghiệm hóa học bị sai lệch, chưa kể nhiều mẫu xét nghiệm sinh hóa cũng bị làm sai…

Càng có chuyên môn, càng hiểu biết thì càng thấy sai lệch trong xét nghiệm là vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân chờ đợi, mệt mỏi, khổ sở, còn bác sĩ điều trị thì bị lừa vì xét nghiệm không đúng với căn bệnh của bệnh nhân nên cách điều trị sẽ không mang lại kết quả. Tình cảnh này khiến chị cảm thấy “không đấu tranh không được” dù những người dính líu đã tìm mọi cách để ngăn cản, đe dọa chị.

Vụ việc này hiện đang gây sự chú ý của dư luận và ngành y tế. Được biết, ngành chức năng đang vào cuộc và người phụ nữ dũng cảm này trong hành trình đấu tranh đã không đơn độc: chị được sự ủng hộ tích cực của gia đình, thầy giáo và nhiều đồng nghiệp. Để đủ chứng cứ thuyết phục chị đã mất nhiều tháng trời để thu thập, xử lý, ghi hình, lưu đĩa, nhiều đêm phải thức đến 1, 2 giờ sáng để xử lý các dữ liệu…

Không chỉ riêng ngành y mà thiết nghĩ các ngành khác cũng cần có những người dũng cảm, thẳng thắn để làm trong sạch bộ máy, để ai cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công việc mình được giao với mong muốn “các sai trái bị triệt tiêu, bệnh nhân, người lao động bớt khổ, những người làm sai nhận ra hậu quả do việc làm sai trái của họ mà sửa chữa…”.

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên