Cần sự công bằng trong “giải cứu” nông sản

Cập nhật: 11-03-2019 | 09:11:11

Bước vào vụ đông xuân năm 2019, khi giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp, các ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc “giải cứu” với các giải pháp căn cơ. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản khác như hồ tiêu, khoai lang cũng rơi vào tình trạng tương tự chưa được “giải cứu” hoặc “giải cứu” mang tính tự nguyện của các tổ chức xã hội. Nhiều nông dân sản xuất các mặt hàng nông sản khác ngoài lúa gạo cho rằng họ cần sự “giải cứu” công bằng từ phía Nhà nước.

 Đành rằng “giải cứu” không phải là biện pháp căn cơ, nhưng đã trở thành điệp khúc quen thuộc đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Hiện tại, nhiều mặt hàng nông sản đang cần được “giải cứu” là lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, hồ tiêu ở miền Đông Nam bộ, khoai lang ở Tây nguyên... Đối với hồ tiêu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải cứu là do sản xuất không theo quy hoạch. Mặc dù các cấp, các ngành đã khuyến cáo, nhưng nông dân vẫn sản xuất tự phát, chạy theo phong trào, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Để bảo đảm giá cả ổn định, theo quy hoạch do Hiệp hội Hồ tiêu đưa ra là chỉ ở mức 100.000 ha. Trong khi đó, diện tích trồng hồ tiêu cả nước hiện đã tăng vọt lên trên 150.000 ha. Diện tích tăng, dẫn đến tình trạng sản lượng dư thừa, mất giá là đương nhiên.

Dẫu vậy, một số mặt hàng nông sản tuy nằm trong bản đồ quy hoạch cũng vẫn dư thừa, dẫn đến giá thấp. Không vượt diện tích quy hoạch nhưng vụ đông xuân năm nay, giá lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn xuống thấp so với các vụ trước đó cần sự “giải cứu”. Liền sau đó, tỉnh Gia Lai cũng kêu gọi các tổ chức xã hội vào cuộc “giải cứu” khoai lang. Nguyên nhân phải “giải cứu” lúa gạo và khoai lang không nằm ở quy hoạch mà ở thị trường. Đầu ra chủ yếu của lúa gạo và khoai lang được các chuyên gia chỉ ra là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Một khi thị trường này đóng cửa hoặc làm giá là nông dân lãnh đủ.

Ngay khi giá lúa gạo xuống thấp, các bộ, ngành chức năng Trung ương và hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc “giải cứu” bằng các giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, sự vào cuộc “giải cứu” khoai lang và các mặt hàng nông sản khác xem ra không giống kịch bản “giải cứu” lúa gạo! Nguyên nhân được chỉ ra là do lúa gạo vẫn là ngành sản xuất chính trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo được ưu tiên hàng đầu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Trong khi đó, khoai lang và các mặt hàng nông sản khác không phải là nông sản chủ lực, nên chưa được “giải cứu” hoặc chỉ “giải cứu” ở mức độ tự nguyện của các tổ chức xã hội.

Sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương, trong khi trình độ nhận thức và phán đoán thị trường của nông dân còn có hạn. Sự khác biệt về cách “giải cứu” nông sản dẫn đến hệ lụy làm cho một bộ phận nông dân ở nhiều địa phương gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Không ít nông dân trồng hồ tiêu và các mặt hàng nông sản khác phải trắng tay khi giá cả nông sản họ làm ra xuống thấp. Vì vậy, rất nhiều nông dân bày tỏ ý kiến cần có sự công bằng trong “giải cứu” nông sản từ phía Nhà nước.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
Cửu Long

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=404
Quay lên trên