Cảnh giác một số chiêu lừa mới trong mùa dịch

Cập nhật: 18-08-2021 | 09:15:41

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi với các mánh khóe đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin hoặc thiếu thông tin của người dân. Người dân cần đề cao cảnh giác để tránh mất tiền của, công sức và thời gian.


Một số điện thoại gọi cho P.V để tư vấn... cách chữa khỏi Covid-19

Tư vấn chữa Covid vì... có duyên!

Ngày 10-8, số điện thoại 0825585152 gọi vào điện thoại của P.V Báo Bình Dương để... tư vấn cách điều trị Covid-19. Từ đầu dây bên kia, một giọng nữ cho biết “tình cờ” bấm số điện thoại một cách ngẫu nhiên và “có duyên” nên muốn chia sẻ về phương pháp chữa bệnh khi chẳng may trở thành F0.

Người này giới thiệu về tỉnh Bắc Giang, nơi từng là tâm dịch của cả nước những ngày tháng 6-2021. Theo bà ta, tại đây có nhiều bệnh nhân nặng đã khỏi bệnh nhờ niệm 9 chữ “Pháp luân đại pháp hảo chân thiện nhẫn hảo”. Có rất nhiều người từng mắc bệnh nặng bị bệnh viện trả về nhưng nhờ “tu luyện bài này” đã vượt qua bạo bệnh. Sau khi giới thiệu khả năng chữa bệnh nhờ thành tâm niệm 9 chữ thần kỳ, người phụ nữ giảng thao thao bất tuyệt nhằm truyền bá về một tà đạo và còn cho biết sẽ gửi kèm tài liệu qua mạng xã hội cho P.V.

Bác sĩ CK1 Trần Hữu Nhơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương - cơ sở 2, cho biết: “Gần đây có nhiều thông tin đăng tải trên mạng xã hội cho rằng “Nhờ niệm 9 chữ chân ngôn trong Pháp luân công để chữa khỏi Covid-19” thu hút nhiều người dân quan tâm. Theo tôi, đây là thông tin thiếu cơ sở khoa học, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nếu có dấu hiệu nhiễm Covid-19, bệnh nhân cần liên hệ với các cơ sở y tế, trung tâm y tế tại địa phương để được hướng dẫn và điều trị đúng cách, kịp thời”.

Lên mạng “kể khổ”

Những ngày giữa tháng 8-2021, trên một trang fanpage mạng xã hội Facebook xuất hiện bài viết “bóc phốt” việc một cô gái giả mang thai để xin hỗ trợ “tiền sữa”. Theo đó, cô gái này sử dụng tài khoản ảo đăng bài viết trên nhiều hội nhóm khác nhau từ TP.Hồ Chí Minh cho đến Bình Dương kể rằng mình đang mang thai nhưng vì dịch bệnh nên lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đi sinh. Cô gái này còn cho luôn cả địa chỉ phòng trọ và số tài khoản lên mạng xã hội cho cộng đồng mạng chuyển tiền. Nhiều người vì quá thương cảm đã chuyển khoản và gửi lời chúc cô gái sớm vượt qua nghịch cảnh khó khăn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau cũng trên các hội, nhóm đã xuất hiện những bài cảnh báo về trò lừa trên và kêu gọi người dân nên cảnh giác, không nên để người này lợi dụng vì “mang thai nhưng hơn 1 năm vẫn chưa thấy sinh con, vẫn tiếp tục lên mạng xã hội cầu cứu với nhiều nick khác nhau”.

Bác sĩ CK1 Trần Hữu Nhơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương - cơ sở 2, cho biết: “Gần đây có nhiều thông tin đăng tải trên mạng xã hội cho rằng “Nhờ niệm 9 chữ chân ngôn trong Pháp luân công để chữa khỏi Covid-19” thu hút nhiều người dân quan tâm. Đây là thông tin thiếu cơ sở khoa học, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nếu có dấu hiệu nhiễm Covid-19, bệnh nhân cần liên hệ với các cơ sở y tế, trung tâm y tế tại địa phương để được hướng dẫn và điều trị đúng cách, kịp thời”.

Những ngày qua, một số đối tượng lên các hội, nhóm trên mạng xã hội để gợi ý tạo công ăn việc làm cho những ai đang ở nhà tránh dịch, hoặc rao bán các sản phẩm gia dụng, nội thất, thực phẩm… Tuy nhiên, khi các “con mồi” chuyển tiền xin việc, mua hàng online thì các đối tượng này chặn tài khoản hoặc chửi bới, đe dọa người mua hàng. Để ngăn ngừa tình trạng lừa đảo trong mùa dịch bệnh Covid-19, vừa qua, Công an tỉnh đã phát thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm trong mùa dịch bệnh Covid-19 để người dân cảnh giác. Theo cảnh báo, thủ đoạn hiện nay là một số đối tượng giả danh cơ quan chức năng điện thoại thông báo đến người dân việc đang thực hiện truy vết yếu tố dịch tễ là F1, F2, nhà bị cách ly... Sau đó chúng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, bấm vào đường link mà chúng đã chuẩn bị sẵn để người dân xác nhận vụ việc. Thực chất đây là cách chúng lấy thông tin cá nhân của bị hại rồi lừa đảo. Ngoài ra, còn một số thủ đoạn khác như đối tượng giả mạo lực lượng phòng dịch đi phun thuốc khử khuẩn để xịt thuốc mê, phát khẩu trang tẩm thuốc mê rồi chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Kẻ gian đóng giả lực lượng chống dịch đề nghị người dân đóng tiền cọc chích ngừa vắc xin Covid-19, sau đó chiếm đoạt tiền. Một số đối tượng thông qua mạng xã hội hoặc trực tiếp đến nhà người dân để vận động Quỹ phòng, chống dịch thu tiền bất chính. Chúng gửi đường dẫn qua thư điện tử, tin nhắn để người dân đăng ký tiêm vắc xin Covid-19, các đường dẫn này chứa vi rút tấn công máy tính, ăn cắp dữ liệu cá nhân, từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1363
Quay lên trên