Lâu nay, trong các báo cáo và thông tin báo chí, chúng ta thường nghe nói đến các cụm từ “chảy máu chất xám” hay “chất xám ra đi”… để chỉ những người được đào tạo tử tế trong và ngoài nước đầu quân cho doanh nghiệp nước ngoài hay ở lại làm việc cho các nước sau khi tốt nghiệp, mà ít khi nghe nói đến cụm từ “chất xám trở về”. Do vậy, chỉ cần một vài trường hợp trí thức trẻ quay lại phục vụ quê nhà sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài cũng đủ dấy lên niềm hy vọng, tạo động lực khơi gợi cho một phong trào rộng lớn: Trí thức trẻ vì quê hương phục vụ.
“Từ bỏ giàu sang, trở về quê nhà” (Tuổi trẻ ngày 29-5) đề cập trường hợp bác sĩ Trần Hoàng Minh, 29 tuổi, Quốc tịch Mỹ, người đã từ bỏ “giấc mơ Mỹ” để trở về làm việc tại Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM. Có thể nói, trong số rất ít những trường hợp trí thức trẻ chịu trở về quê nhà, thì đây là tấm gương đáng để mọi người phải suy ngẫm. Tốt nghiệp ngành y sau khi theo học ở 2 trường đại học danh tiếng của Mỹ và Úc, bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh đã từ bỏ mức lương lên đến hàng chục ngàn đô-la mỗi tháng để trở về Việt Nam và xin vào làm việc tại một bệnh viện không mấy tên tuổi ở TP.HCM với mức lương “đủ sống là được”. Điều đáng suy ngẫm hơn là trong khi biết bao người mong sớm có tấm thẻ xanh khi đến Mỹ, thì một người đã có quốc tịch Mỹ như bác sĩ Minh lại tự hào “đã được nhập hộ khẩu, được cấp chứng minh nhân dân và là người Việt Nam 100%”.
Từ trước tới nay cũng đã có nhiều trường hợp trí thức trẻ trở về quê nhà sau khi du học nước ngoài, nhưng rất ít người trụ lại vì cho rằng điều kiện làm việc không phù hợp, chưa được đãi ngộ về chế độ, chính sách… Đó là những lý do thường được nhắc đến khi một trí thức trẻ muốn quay lưng. với đất nước, với quê hương. Đa số những trí thức trẻ muốn ra đi đều tìm cho mình những mỹ từ thích hợp hay đổ lỗi cho chính sách. Chính vì vậy, sự trở về của bác sĩ Trần Hoàng Minh với chấp nhận thách thức cả về điều kiện làm việc và thu nhập là điều đáng để trân trọng, làm dấy lên hy vọng về một phong trào rộng lớn trí thức trẻ sẽ vì quê hương mà trở về, vì Tổ quốc mà phục vụ.
Không phải đến bây giờ mà trước đây cũng đã có rất nhiều tấm gương trí thức trở về vì tiếng gọi của Tổ quốc. “Ông vua” vũ khí Việt Nam là biệt danh không chỉ riêng giới nghiên cứu lịch sử quân giới trong nước biết đến, mà cả thế giới đều biết khi nói về Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ông là một trong những trí thức kiều bào yêu nước đầu tiên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước để phụng sự Tổ quốc. Tiếp theo tấm gương Giáo sư Trần Đại Nghĩa, còn rất nhiều những tấm gương trí thức từ bỏ vinh hoa phú quý ở nước ngoài để trở về quê hương theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Không thể so sánh trường hợp bác sĩ Trần Hoàng Minh với những tấm gương lớn vì quê hương phục vụ, nhưng ít ra trong bối cảnh hiếm hoi trí thức trở về quê hương thì đây là tấm gương sáng để những trí thức trẻ đang du học hay làm việc ở nước ngoài phải suy ngẫm.
“Chất xám” trở về có trở thành phong trào rộng lớn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng đã có cánh én báo hiệu thì mùa xuân chắc chắn sẽ quay về
LÊ QUANG