Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ người trồng cây”, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, các gia đình có công với cách mạng… xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền KT-XH của địa phương. Không chỉ là đến hẹn lại lên, không chỉ là những ngày tháng 7 hàng năm, mà sự nghiệp “đền ơn đáp nghĩa” luôn được Đảng, Nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội của tỉnh quan tâm, xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Ngoài việc thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi người có công (NCC) theo quy định chung của Nhà nước thì Bình Dương đã có chế độ riêng như hỗ trợ việc tang lễ cho gia đình khi các đối tượng có công từ trần. Cụ thể, ngoài khoản được nhận từ kinh phí Trung ương là 10 tháng lương tối thiểu, tỉnh còn hỗ trợ thêm 10 - 20 triệu đồng cho gia đình khi NCC từ trần, đối với mẹ Việt Nam anh hùng là 25 triệu đồng. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân ngày lễ, tết; thăm, tặng quà cho các đối tượng là gia đình thờ cúng mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần…
Với những nỗ lực ấy, hiện nay tỉnh có 100% các xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ. Trong quý I-2013, toàn tỉnh đã chi 91,17 tỷ đồng cho các hoạt động chăm sóc đời sống NCC; hơn 500 triệu đồng cho các hoạt động tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán; 33,55 tỷ đồng trợ cấp hàng tháng cho trên 8.000 đối tượng và trợ cấp một lần với số tiền 722, 36 triệu đồng cho NCC; xây dựng và tặng 3 căn nhà tình nghĩa với kinh phí 350 triệu đồng cho NCC còn gặp khó khăn về nhà ở; mua cấp 9.376 thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe cho NCC với kinh phí 1,33 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã dành kinh phí 70 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo hệ thống nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh, các huyện, thị. Đặc biệt, đầu tư 7,38 tỷ đồng xây dựng 9 nhà bia ghi tên liệt sĩ. Các phần mộ được tu bổ theo hướng bền vững và thường xuyên được chăm sóc sạch đẹp, xứng đáng là những công trình văn hóa truyền thống cách mạng mang tính giáo dục cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có 12.534 mộ liệt sĩ được quy tập, an táng tại các nghĩa trang, trong đó có 4.000 mộ vô danh…
Kết quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đạt được trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách, góp phần ổn định tình hình chính trị trên địa bàn, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Qua đó có những tác động tích cực góp phần giáo dục thế hệ trẻ, động viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào, các hoạt động KT-XH trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Song, nói cho cùng, cho dù chúng ta có làm gì đi chăng cũng không làm sao bù đắp được những hy sinh, mất mát lớn lao như trời biển, những giọt nước mắt âm thầm khóc chồng, nhớ con của những ông cha, bà mẹ không chỉ riêng những ngày tháng 7 mỗi năm, mà là suốt cuộc đời còn lại của họ… Không chỉ những ngày tháng 7 này, mà là tất cả các tháng trong một năm chúng ta hãy tự hỏi mình đã làm được gì để đền đáp lại những hy sinh mất mát, để xoa dịu nỗi buồn, để góp phần làm cho cuộc sống của các đối tượng chính sách… sẽ ngày càng đầy đủ, hạnh phúc hơn cho trọn nghĩa vẹn tình…
VÕ HƯƠNG