Những tháng cuối năm hổ 2010 này, có một hoạt động khá ý nghĩa, đó là Hội nghị của 13 quốc gia, trong đó có Việt Nam tham gia Diễn đàn Bảo tồn Hổ Quốc tế, diễn ra từ ngày 21 đến 24-11 tại Nga. Bởi theo Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) cảnh báo hổ có thể tuyệt chủng trong vòng 12 năm tới. Trong 100 năm qua, số lượng hổ đã giảm 97% và hiện chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn sống trên thế giới. Hơn 1.000 con hổ bị giết trong 10 năm qua do hoạt động buôn bán bất hợp pháp các bộ phận của chúng. Cũng theo thống kê của WWF thì ở Việt Nam chỉ còn khoảng chưa đến 50 cá thể hổ đang tồn tại trong tự nhiên. Người ta cho rằng, tại Việt Nam hổ còn tồn tại ở vùng rừng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, dải Trường Sơn, Pù Mát, Vũ Quang...
Riêng ở Bình Dương, những câu chuyện về ông Ba Mươi, Cọp Ba móng... giờ chỉ còn là quá khứ, hoài niệm một thời. Có nhiều nguyên nhân dễ dẫn đến hổ có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong đó theo quan niệm Á Đông, hổ là biểu tượng của sức mạnh (chúa sơn lâm) và sự sang cả. Vì thế họ xem hổ là một nguyên liệu quý để sản xuất thuốc tăng cường sinh lực, bồi bổ sức khỏe với nhiều món ăn, thức uống và kể cả trang sức như cao hổ cốt, cốt nhục (thịt, xương cọp),... da cọp cũng là những món hàng cao cấp đắt tiền. Cũng chính vì thế mà có nhiều chuyện dở khóc dở cười xung quanh con cọp. Món cao hổ cốt được nấu từ xương thịt chó bẹc-giê, móng cọp làm bằng nanh heo rừng... Mặt khác, thịt cọp nói riêng, thịt động vật hoang dã nói chung vẫn đang là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhất là giới mày râu. Việc quản lý mua bán động vật hoang dã vẫn còn nhiều khó khăn khiến chúng vẫn được tiêu thụ, bày bán tràn lan.
Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý động vật hoang dã nói chung, trong đó có loài hổ đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như tăng cường quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán động vật hoang dã, thực thi các luật lệ nghiêm ngặt chống săn trộm, cũng như giáo dục ý thức của dân chúng không làm hại loài động vật này. Đặc biệt là công tác tuyên truyền không sử dụng hổ làm nguyên liệu chế biến thuốc hoặc thức ăn. Riêng công tác bảo vệ và bảo tồn động vật quý hiếm này cũng đang được đặt ra là có nên cho nuôi trong dân hay trả chúng về với thiên nhiên. Thực tế, tại Bình Dương, hổ nuôi trong dân cũng đã góp phần “giữ gìn và nhân giống” loài động vật quý hiếm này. Tuy nhiên, chuyện thú nguy hiểm nuôi trong dân cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Vì thế, quản lý thú nuôi đang đặt lên hàng đầu bởi tại Bình Dương cũng đã từng xảy ra chuyện hổ vật chết người. Mặt khác, chuyện hổ nuôi trong dân sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đặc tính của hổ, khi chúng bị thuần hóa. Chuyện kể một con hổ nuôi sẩy chuồng chạy vào nhà hàng xóm tại một huyện phía Nam của tỉnh. Chủ nhà về thấy ông ba mươi ngồi chễm chệ trước phòng khách đã hồn phi phách tán chạy hoảng trong khi chú hổ vẫn ngồi im, hiền khô. Người ta bảo, lúc ấy đến gần vuốt râu hùm cũng không sao vì hổ lúc này cũng chẳng khác chi mèo. Theo ý kiến các nhà khoa học bảo tồn hổ không có nơi nào tốt hơn chính là trong thiên nhiên hoang dã, nơi nó tự do sinh hoạt, kiếm mồi và sinh sản.
Sắp giã từ năm hổ 2010, bàn chuyện bảo vệ hổ cũng không thừa bởi bảo tồn động vật quý hiếm này cũng chính là bảo vệ môi trường sinh thái.
* DÂN THƯỜNG