Chông chênh giá cả - thu nhập!

Cập nhật: 16-08-2013 | 00:00:00

Sở dĩ Bộ Tài chính nhấn mạnh vấn đề các đơn vị, cá nhân “lợi dụng tình hình” là do nền kinh tế hiện vẫn còn nhiều khó khăn; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại trong những tháng cuối năm; thời tiết mưa bão diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn và trên hết là giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, than tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình.

Quan sát thị trường điều dễ dàng nhận thấy là từ giữa tháng 6 đến nay, chỉ riêng mặt hàng xăng dầu đã 3 lần tăng giá. Nguyên nhân là do giá cả xăng dầu thế giới biến động. Gần đây, giá điện, giá than tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình, khiến giá cả một số mặt hàng trên thị trường rục rịch tăng theo. Cùng với đó là tình hình mưa bão kéo dài, khiến giá rau xanh và một số mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng mạnh. Giá sữa cũng đang được người bán nâng lên chỉ vì nhà cung cấp yêu cầu tăng giá. Trên thực tế, tác động của giá xăng, giá điện tăng thêm lên chi phí sản xuất là không cao, nhưng tác động của giá xăng, giá điện đến “tâm lý” nhà sản xuất và người tiêu dùng là rất cao. Việc tăng giá một số mặt hàng trong thời gian gần đây chính là hệ quả của “hiệu ứng tâm lý” này. Nhà sản xuất, kinh doanh tăng giá hàng hóa, dịch vụ là để “tự vệ” khi giá cả đầu vào là xăng, điện đều tăng.

Để thị trường vận hành suôn sẻ, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng phải song hành với việc tăng thu nhập cho người dân. Trong khi đó, thu nhập của đại đa số người làm công hưởng lương thời gian gần đây chưa có sự cải thiện, nếu không muốn nói là có chiều hướng giảm. Đối với công nhân làm việc trong các nhà máy, mức thu nhập hiện không tăng so với trước do tình hình thiếu việc làm, giãn ca. Đối với công nhân viên chức Nhà nước thì mức tăng lương trong tháng 7 vừa qua không đủ bù trượt giá. Nếu so với mức tăng của giá thì thu nhập của nhiều người quả là chông chênh. Giá tăng, thu nhập không tăng đã tác động làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp và trung bình, khiến họ gặp không ít khó khăn. Chính vì những khó khăn đó mà nhiều người tiêu dùng buộc phải tính toán cắt giảm chi tiêu để bù vào giá, khiến sức mua trên thị trường vốn đã thấp càng thêm ảm đạm!

Thực hiện biện pháp kiểm soát giá theo yêu cầu của Bộ Tài chính là cần thiết để giữ vững thị trường, hạn chế tăng giá các mặt hàng thiết yếu, mà trên hết là giữ ổn định mức sống của đại đa số người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài Nhà nước phải tính toán tăng thu nhập cho người dân, nhất là đối với người làm công hưởng lương. Có như vậy mới giải quyết được bài toán giữa thu nhập và giá cả, kích thích sức mua, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng hóa làm ra. 

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên