Bài toán về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã được đặt ra từ lâu nhưng xem ra cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất. Hàng loạt các loại nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh của các doanh nghiệp còn phải nhập khẩu với tỷ lệ tương đối lớn.
Thực tế đó cho thấy các doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào các nhà cung ứng từ ngước ngoài. Trong thời điểm dịch bệnh hiện tại, những ngành hàng nào phụ thuộc vào các loại nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện lâu nay thường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nằm trong vùng dịch bệnh lại gặp không ít khó khăn để duy trì sản xuất, bảo đảm cho các đơn hàng cho đối tác. Với những vấn đề vừa nêu, để bảo đảm cho doanh nghiệp sản xuất chủ động trong mọi điều kiện, phát triển một cách bền vững, lâu dài, thêm lần nữa việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn đã và đang đặt ra.
Với Bình Dương, từ nhiều năm qua đã luôn chú trọng để tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Thực tế, Bình Dương cũng được đánh giá là một trong những địa phương ngành này phát triển khá mạnh. Tuy vậy, để đáp ứng được nhu cầu của các ngành, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh nhà thì công nghiệp hỗ trợ chưa đủ sức. Mặt khác, thu hút đầu tư của Bình Dương, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh liên tục nhiều năm. Nhiều nhà đầu tư tên tuổi của thế giới đã và đang chọn Bình Dương để đặt nhà máy sản xuất với những lĩnh vực đòi hỏi cao về công nghệ. Đáp ứng công nghiệp hỗ trợ cho các ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ vốn đã chưa “gánh nổi”, với những ngành máy móc, công nghệ hiện đại hơn, ngành công nghiệp hỗ trợ tại địa phương lại càng gặp khó để đáp ứng nhu cầu.
Dự lường trước nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, càng nhiều về công nghiệp hỗ trợ, Bình Dương, một mặt mời gọi đầu tư, quy hoạch khu công nghiệp hỗ trợ, mặt khác xây dựng các chính sách để thúc đẩy ngành này phát triển tương ứng với nhu cầu. Các doanh nghiệp hỗ trợ hiện có trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá tốt, song chính họ cũng có nhu cầu được hỗ trợ về nhiều mặt để phát triển mạnh hơn. Mỗi khi tất cả các bên liên quan chung một mục tiêu phát triển, tin rằng công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương sẽ ngày càng lớn mạnh, cùng với doanh nghiệp sản xuất đủ sức cạnh tranh trong thế giới hội nhập.
TRIỆU PHONG