Để hỗ trợ trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà, Bình Dương tiến hành thành lập các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 cộng đồng (CSNNCĐ). Chính hoạt động thiết thực, có hiệu quả của tổ đã giúp F0 vững tin điều trị tại nhà, mau bình phục.
Chủ động chăm sóc, điều trị F0
Chúng tôi có mặt tại khu phố Tân Phú 1, phường Tân Bình, TP.Dĩ An trong những ngày đầu địa phương này trở về “bình thường mới”. Hiện khu phố đang chăm sóc, quản lý và hỗ trợ điều trị cho 100 F0 trên địa bàn. Ông Lại Viết Văn, Trưởng ban Điều hành khu phố Tân Phú 1, cho biết hiện khu phố đang triển khai hoạt động của các tổ CSNNCĐ. Những ngày qua, các thành viên trong tổ tiến hành quản lý chặt chẽ danh sách F0 tại cộng đồng để hỗ trợ chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà theo phân công. Với các trường hợp nặng, tổ tiến hành cấp phát thuốc, hỗ trợ chăm sóc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cán bộ y tế thăm khám, điều trị F0 tại nhà
Cụ thể mỗi ngày 2 lần, các thành viên trong tổ theo dõi nhịp thở, thân nhiệt, mạch, huyết áp, SpO2 trong máu cho F0. Với các trường hợp sốt, ho, khó thở, mất vị giác, đau tức ngực, co giật, tím môi, tím đầu chi…, tổ thường xuyên giữ liên lạc để kịp thời tiếp nhận thông tin về diễn biến bệnh; phát hiện kịp thời các trường hợp F0 có diễn biến nặng hơn để phối hợp với trạm y tế lưu động hoặc trạm y tế phường hỗ trợ y tế, chuyển người nhiễm đến bệnh viện. Ngoài ra, tổ còn tư vấn cho người nhiễm về dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, ổn định tâm lý, tăng khả năng chống đỡ với bệnh.
Khu nhà trọ Thu Hoa, khu phố Bình Thuận An 2, phường Thuận Giao, TP.Thuận An cũng thành lập Tổ CSNNCĐ cho người ở trọ. Những ngày qua, tổ đã giúp cho 60 F0 tại khu nhà trọ điều trị khỏi bệnh. Hiện tổ hướng dẫn, vận động người dân tự khai báo y tế, sàng lọc những trường hợp có dấu hiệu nghi mắc Covid-19 để có biện pháp xét nghiệm và xử trí kịp thời. Đặc biệt, hàng ngày tổ báo cáo tình hình sức khỏe F0 được giao quản lý trên địa bàn.
Cùng với nhiệm vụ chăm sóc F0 tại nhà, các tổ CSNNCĐ tại xã An Điền, TX.Bến Cát còn triển khai xét nghiệm nhanh Covid-19, truyền thông người dân khai báo y tế, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Bác sĩ Đinh Hoàng Kha, Trưởng trạm Y tế xã An Điền cho biết: “Do lực lượng mỏng nên cán bộ trạm y tế đảm nhận luôn hoạt động trạm y tế lưu động và tham gia Tổ CSNNCĐ. Thời gian qua, trạm đã điều trị tại nhà cho hơn 100 F0, trong đó đã có 24 F0 khỏi bệnh. Cùng với chăm sóc, điều trị, trạm còn tiến hành tiêm vắc xin, truyền thông, vận động về phòng, chống Covid-19; tuyên truyền, phổ biến các biện pháp dự phòng, tự xét nghiệm Covid-19; cung cấp cho các hộ gia đình thông tin về các điểm dịch vụ y tế và các điểm hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn xã”.
Triển khai mạng lưới tại các địa phương
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh còn hơn 2.600 F0 đang điều trị tại nhà. Quá trình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà có nhiều vấn đề đòi hỏi phải xử trí như phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng, xử trí cấp cứu kịp thời và chuyển viện đúng tầng. Đồng thời, F0 cũng cần được chăm sóc sức khỏe, trấn an, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng về diễn biến của bệnh. Để hỗ trợ trạm y tế, trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thị, thành phố khẩn trương xây dựng, thành lập Tổ CSNNCĐ.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết Tổ CSNNCĐ dành cho những địa phương có triển khai quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ hoạt động cho trạm y tế, trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc, quản lý F0. Tổ do UBND cấp xã thành lập, trực thuộc UBND cấp xã, chịu sự điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn y tế của trạm y tế cấp xã hoặc trạm y tế lưu động trên địa bàn. Tổ có chức năng quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19; hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân; tuyên truyền về phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng và các nhiệm vụ khác được giao. Mỗi tổ dự kiến sẽ quản lý và chăm sóc từ 10 - 20 F0. Các địa phương căn cứ số F0 tại mỗi phường, xã, thị trấn để lập đủ tổ theo quy định.
Thực tế tại các địa phương, Tổ CSNNCĐ có ít nhất 3 người. Tổ trưởng là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban quản lý tòa nhà, khu chung cư. Tổ phó là 1 nhân viên y tế. Thành viên là người đang sinh sống trong tổ dân cư. Những người tham gia tổ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19, trừ F0 đã khỏi bệnh. Tổ CSNNCĐ có một số điện thoại riêng và trực 24/7 để bảo đảm kết nối với F0. Sau khi tiếp nhận thông tin từ các F0 trong cộng đồng, các thành viên trong tổ thiết lập sẵn hồ sơ bệnh án về các F0. Tần suất thăm hỏi phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của F0 sau khi phân loại. Nếu F0 có nguy cơ, tuổi cao, có bệnh nền, thành viên của tổ sẽ thăm hỏi liên tục, nắm bắt kịp thời tình trạng chuyển nặng của F0.
Ngoài ra, các tổ tại địa phương còn được trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2, bình oxy, túi thở oxy, dụng cụ thở oxy, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, phương tiện phòng hộ cá nhân... Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố hỗ trợ trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, vật tư và tổ chức hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho tổ hoạt động ngày càng hiệu quả.
HOÀNG LINH