Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, bằng sự linh hoạt, sáng tạo, qua thời gian “gồng mình” chống dịch, huyện Dầu Tiếng đã từng bước đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa huyện trở thành “vùng xanh” và cùng với tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới”.
Ứng phó linh hoạt
Có dịp được trò chuyện cùng ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Dầu Tiếng, chúng tôi được biết thêm về những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các tình nguyện viên trong phòng, chống dịch bệnh của huyện thời gian qua. Theo ông Linh, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngay từ sớm, Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện khảo sát thiết lập 26 khu cách ly y tế tập trung với tổng công suất 5.000 giường (chủ yếu là tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của các trường học, nông trường cao su, nhà văn hóa). Theo đó, đối với các F0 phát hiện trong cộng đồng, huyện tổ chức truy vết F1 để đưa đi cách ly tập trung và cho F2 cách ly y tế tại nhà nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm. Tiếp đó, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, huyện đã chuyển đổi công năng 17 khu cách ly sang khu thu dung, điều trị F0 từ các thị xã, thành phố trong tỉnh điều phối về; đồng thời tiếp tục duy trì 9 khu cách ly F1 và người trở về từ vùng dịch.
Nhịp sống “bình thường mới” của người dân thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng
Khi trở thành “vùng xanh” của tỉnh, để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện quan điểm “lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ”, huyện Dầu Tiếng quản lý chặt chẽ người và phương tiện từ bên ngoài vào địa bàn. Theo đó, huyện tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ vào địa bàn huyện nhằm khóa chặt địa bàn. Đối với việc quản lý người trở về địa phương chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin ngừa Covid-19, huyện thực hiện lấy mẫu test nhanh ngay tại chốt kiểm soát.
Huy động nhiều nguồn lực tham gia
Nhằm mở rộng, nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân, huyện Dầu Tiếng đã thành lập khu mở rộng điều trị bệnh nhân với quy mô 5.000 giường tại trường Tiểu học Ngô Quyền để thực hiện thu dung, điều trị cho người dân địa phương và các địa phương khác. Ông Nguyễn Phương Linh cho biết thêm, với tinh thần “tính mạng con người là trên hết”, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh lúc đó, để kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân Covid-19 và để có đủ nguồn kinh phí thực hiện khu điều trị mà không dùng ngân sách của huyện, Ban Chỉ đạo huyện đã linh hoạt vận động các doanh nghiệp tài trợ 100% kinh phí đầu tư với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xác định tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, huyện đã nhanh chóng triển khai tiêm chủng cho người dân ngay khi được tỉnh phân bổ vắc xin. Trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, huyện đã huy động lực lượng tình nguyện viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động các cơ quan đơn vị trên địa bàn tham gia hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, như: Lấy mẫu nhập liệu, tham gia phục vụ tại các khu cách ly, khu điều trị với tổng cộng 393 người.
Ông Linh chia sẻ thêm, trong tình hình khó khăn chung, huyện quán triệt và thực hiện tốt phương châm “3 tại chỗ”, đồng thời chủ động kêu gọi sự hỗ trợ đồng hành của các thành phần kinh tế và các nguồn lực xã hội, chung sức với huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Qua hoạt động phòng, chống dịch bệnh đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực tiêu biểu, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực tham gia đóng góp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.
PHƯƠNG LÊ