Chữ tâm với nghề

Cập nhật: 18-06-2015 | 08:32:49

Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ VI nhiệm kỳ 2015-2020 và lồng ghép tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Dịp này, Hội Nhà báo tỉnh cũng đã dành thời gian để các Chi hội nhà báo trong tỉnh trình bày tham luận về xu hướng báo chí trong thời gian tới, báo chí đa phương tiện và đạo đức nghề báo. Thời gian dành cho các đại biểu trình bày tham luận tuy không nhiều, nhưng đây là cơ hội quý để những nhà báo còn “nặng nợ áo cơm”, những nhà báo trẻ có cơ hội tự soi rọi lại mình để rút ra chữ tâm với nghề.

 Mặc dù vấn đề đạo đức nghề báo đã được bàn nhiều và không ít văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cũng đã được ban hành. Tuy nhiên, những diễn đàn và văn bản đó hầu như chưa phát huy được vai trò, tác dụng trong hoạt động thực tiễn. Chính vì vậy, khi có điều kiện là cái xấu lại bùng lên, dẫn tới những hệ lụy khó lường mà đội ngũ làm báo chân chính phải gánh chịu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do internet và các phương tiện kết nối phát triển quá nhanh, từ đó tác động mạnh mẽ đến các loại hình báo chí, làm thay đổi toàn bộ và tạo ra một thế hệ những người làm báo thời internet. Cách làm báo trong kỷ nguyên số tuy nhanh, thông tin được khai thác đa dạng nhưng do phải cạnh tranh khốc liệt nên dẫn đến tình trạng làm ẩu, làm bừa, thiếu sự thẩm định kỹ lưỡng. Từ đó, kéo theo sự biến tướng của báo chí và cả người làm báo.

Ngoài nguyên nhân nói trên, một số trang mạng vì mục đích câu view, thu hút sự chú ý của độc giả nhằm khai thác quảng cáo đã không ngần ngại chuyển tải thông tin sai sự thật, thậm chí có hại, suy đồi về đạo đức, làm liên lụy tới báo chí truyền thống. Bên cạnh báo mạng, báo xã hội cũng nở rộ với “nhà nhà làm báo, người người làm báo” chuyển tải thông tin trên cái gọi là “đa phương tiện” đã vô tình xô đẩy đạo đức nghề báo đến bờ vực thẳm. Đó là chưa nói đến tình trạng một bộ phận đội ngũ làm báo không qua đào tạo về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp, chưa học qua đại học mà chỉ biết viết báo theo kiểu thiên bẩm trời phú, nên dễ dàng thỏa hiệp với những lợi ích kinh tế. Với những nhà báo như thế này thì báo chí không phải là một loại hình chuyển tải thông tin định hướng xã hội, mà chỉ đơn thuần là một dịch vụ đem lại tiền.

Trước tình hình đạo đức nghề báo đang trên đà đi xuống, không riêng Hội Nhà Báo tỉnh Bình Dương mà Hội Nhà báo ở các địa phương khác trong cả nước cũng quan tâm vào cuộc bằng nhiều diễn đàn, hội thảo mang chủ đề: “Đạo đức báo chí và trách nhiệm xã hội”. Tại các diễn đàn và hội thảo này, đa số những nhà báo chân chính, tâm huyết với nghề đều thống nhất đạo đức báo chí và trách nhiệm xã hội của người làm báo thời đại nào cũng phải được đặt lên hàng đầu. Nhà báo phải có cái tâm trong sáng, tôn trọng giá trị truyền thống, giá trị cốt lõi của báo chí là định hướng xã hội, mang tính nhân văn, chia sẻ với cuộc sống, với con người.

Với những giá trị nói trên, nghề báo rõ ràng là một nghề cao cả. Do vậy, những ai đã trót theo nghề làm báo cần giữ được cái tâm trong sáng. Cuộc sống tuy còn nhiều điều phải lo toan, nhưng có nỗi lo nào lớn hơn được xã hội nhìn nhận và mọi người tôn vinh.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=936
Quay lên trên