Xây dựng thành phố thông minh (TPTM), Bình Dương đã ứng dựng mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp). Xây dựng TPTM, việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục đại học là một trong những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực con người thuộc Đề án xây dựng TPTM của Bình Dương.
Đào tạo chất lượng cao
Trong cuộc cạnh tranh giáo dục giữa các trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng nhất, vì nó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và năng động cho xã hội hiện đại, tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế. Có thể thấy, khi chất lượng đào tạo giáo dục được nâng cao cũng là nền tảng tạo cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Chẳng hạn, chương trình chất lượng cao (CLC) trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm quản lý công việc có thể đảm nhận được công việc liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm, viện, phòng nghiên cứu và quản lý nghiên cứu, các trường đại học trong và nước ngoài hoặc tiếp tục học lên cao học. Khi nhà trường và doanh nghiệp cùng nhau hợp tác sẽ giúp sinh viên có cơ hội thực tập cùng với giảng viên có cơ hội tiếp cận những hoạt động của các tập đoàn công nghiệp, để sau đó phản ánh vào việc đào tạo, định hướng về kỹ năng nghề nghiệp đối với sinh viên. Nhờ vậy mà cơ hội việc làm với các sinh viên của những chương trình này cũng cao hơn các chương trình truyền thống.
Xây dựng TPTM cần chú trọng chuẩn hoá và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trong ảnh: Một gian hàng triển lãm về khoa học của sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Ở Bình Dương, sự hợp tác giữa trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) và Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) không chỉ mang lại những chuyển biến tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp mà còn là sự kết hợp để giải quyết các vấn đề về công nghệ, quản lý, tạo ra những sản phẩm mới góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Thông qua việc hợp tác này, EIU thực hiện nghiên cứu, phát triển, cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của VNTT. Trong quá trình hợp tác, VNTT cũng sẽ tiếp nhận các sinh viên, giảng viên có nhu cầu tham gia thực hành, thực tập, nghiên cứu thực tế tại các cơ sở của VNTT.
Thực hiện sự hợp tác này, sinh viên được học tập và rèn luyện trong môi trường giáo dục chuẩn mực quốc tế sẽ được học trong phòng máy lạnh với phương pháp dạy - học năng động, sáng tạo, tương tác với giảng viên nhiều hơn. Nhà trường có đầy đủ phòng thực hành, mô phỏng hoặc học tại doanh nghiệp; đội ngũ giảng viên là các giáo sư, tiến sĩ có uy tín đã học tập, tốt nghiệp ở nước ngoài hoặc các chuyên gia kinh nghiệm từ doanh nghiệp… sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực cao, có kiến thức lý thuyết vững vàng, kỹ năng chuyên môn thành thạo, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Hiện Bình Dương đang phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ nhân tài khoa học - kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, do vậy hệ thống giáo dục cần bao gồm các chương trình và kỹ năng được thế giới thừa nhận. Xây dựng TPTM, Bình Dương đã ứng dụng mô hình “ba nhà”, cho nên việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục đại học là vấn đề quan trọng trong lĩnh vực con người thuộc Đề án xây dựng TPTM của Bình Dương. Hiện nay, chương trình khuyến khích chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong đó sự phối hợp và tìm giải pháp hỗ trợ về mặt chính sách và ngân sách giúp các trường đại học trên địa bàn xây dựng các chương trình được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế như ABET (cho khối ngành kỹ thuật), AACSB (cho khối ngành kinh doanh)… Việc đạt được các tiêu chuẩn kiểm định giáo dục của ABET hay AACSB không những tạo ra nền tảng cho sự cải thiện chất lượng giáo dục liên tục mà còn giúp các trường đại học tại Bình Dương được xếp vào hàng ngũ các trường đại học chất lượng trên thế giới.
Xây dựng mô hình trường đại học thông minh
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang lan tỏa sâu rộng trong đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu đòi hỏi một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Đại học Thủ Dầu Một là trường đại học trọng điểm của tỉnh Bình Dương. Trường được lãnh đạo tỉnh giao trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đề án TPTM trong thời gian tới. Mục tiêu chiến lược và kế hoạch của trường là hướng tới mục tiêu xây dựng thành công mô hình trường đại học thông minh, góp phần khẳng định uy tín của nhà trường trong nước và quốc tế.
Đóng góp giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình chất lượng cao, theo thạc sĩ Đặng Danh Hướng, trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), trường Đại học Thủ Dầu Một cần xây dựng “chuẩn” chính thức về chương trình đào tạo CLC để sinh viên ra trường được nhận bằng “chương trình đào tạo chất lượng cao” khác với sinh viên đại trà. Như vậy sinh viên học chương trình đào tạo CLC không bị thiệt so với sinh viên đại trà, đồng thời so sánh hiệu quả sinh viên CLC với sinh viên đại trà. Bên cạnh đó, để triển khai chương trình đào tạo CLC khả thi và bền vững, trường Đại học Thủ Dầu Một cần quy định ngành đào tạo phải là ngành học đại trà, thế mạnh của trường, đáp ứng nhu cầu của số đông người học; được lựa chọn trên cơ sở khảo sát nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực CLC. Đối với các ngành khó tuyển sinh nhưng xã hội, Nhà nước cần thì trường cần đặt hàng với tổ chức, doanh nghiệp…
Theo thạc sĩ Đặng Danh Hướng, sinh viên theo học chương trình này phải có điểm chuẩn cao hơn những sinh viên đại trà, nhà trường nên ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ B2. Bên cạnh đó, nhà trường cần rà soát quy hoạch mạng lưới các ngành đào tạo CLC và yêu cầu các khoa phải thực hiện kiểm định để nâng cao chất lượng đào tạo. Sau khi kiểm định, các khoa phải có kế hoạch để tập trung nguồn lực nâng cao những vấn đề còn hạn chế, yếu kém để đạt theo các tiêu chí ASEAN University Network của các trường đại học trong khu vực.
Bên cạnh chương trình đào tạo CLC đối với sinh viên thì vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, việc phát triển đội ngũ giảng viên được coi là giải pháp cấp bách của các trường hiện nay. Các nhà chuyên môn cho rằng trường Đại học Thủ Dầu Một cần đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về tuyển dụng giảng viên; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đối với giảng viên rõ ràng, theo kịp với thực tế phát triển của nhà trường và xã hội. Bên cạnh đó, trường cần xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp của giảng viên trong trường; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng của giảng viên cả về năng lực chuyên môn lẫn kiến thức, nghiệp vụ sư phạm. Trường cũng cần đổi mới phương pháp giảng dạy lâu nay vẫn dùng; tuy nhà trường có phương tiện máy móc hỗ trợ nhưng thực chất trong giờ học người học vẫn ở thế bị động trong nhận thức và tiếp nhận thông tin…
Vừa qua, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm chuyên gia “Thành phố thông minh - Những vấn đề đặt ra cho nghiên cứu và giáo dục đại học”. Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một, nhấn mạnh cuộc tọa đàm có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Cuộc tọa đàm này là diễn đàn khoa học, là kênh chia sẻ thông tin và các tri thức học thuật về chủ đề TPTM, góp phần tăng cường sự trao đổi, hợp tác, nghiên cứu giữa các nhà khoa học, các cơ quan khoa học, giáo dục và doanh nghiệp để có thể đề xuất chính sách, giải pháp thực hiện phù hợp trong việc xây dựng TPTM ở Việt Nam, trong đó có Bình Dương - nơi giàu tiềm năng và cơ hội đột phá để xây dựng TPTM.
PHƯƠNG LÊ