Từ cuối tháng 3-2020, giá heo hơi vẫn đứng ở mức cao trên khắp cả nước, khiến giá thịt heo trên thị trường không những không giảm mà có thời điểm còn tăng thêm. Thực tế đó gây thêm khó khăn trong chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhằm bình ổn giá thịt heo, bảo đảm quyền lợi, giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc làm việc cùng 15 doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn trên cả nước để bàn giải pháp giảm giá heo hơi.
Tại cuộc làm việc này, đại diện các DN chăn nuôi cam kết đưa giá heo xuất tại cửa chuồng về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1-4.
Cam kết đó của các DN, một mặt là để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành giá cả, mặt khác các DN thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn chung từ ảnh hưởng của dịch bệnh. Hơn nữa, theo phân tích của các chuyên gia thị trường, giá heo hơi đưa về như mức các DN cam kết cũng là giá thực, DN vẫn bảo đảm quyền lợi trong sản xuất, kinh doanh.
Các DN chăn nuôi lớn đã thực hiện cam kết từ đầu tháng 4, nhưng thực tế giá heo thịt đến tay người tiêu dùng vẫn không hề giảm, thậm chí còn tăng lên trong những ngày gần đây. Đó là nghịch lý, đồng thời thể hiện sự không công bằng đối với người tiêu dùng trong cả nước. Lý giải vấn đề này, tiểu thương cũng như đại diện các DN bán lẻ cho rằng giá thịt heo cao bởi nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi, chưa kịp tái đàn. Bên cạnh đó là từ trang trại đến tay người tiêu dùng còn qua nhiều khâu trung gian, tốn kém nhiều chi phí. Việc 15 DN chăn nuôi lớn giảm giá heo hơi, “liều thuốc” đó vẫn chưa đủ mạnh để chi phối thị trường thịt heo theo hướng giảm giá, bởi các trang trại, hộ chăn nuôi vẫn chưa hề giảm giá…
Nguyên nhân thì có nhiều, nghe qua cũng thấy hợp lý, nhưng thực tế chưa hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, tổng đàn heo cả nước đến thời điểm hiện tại tới 24 triệu con, bằng 70% tổng đàn trước khi có dịch tả heo châu Phi. Có những tỉnh, thành sau khi tái đàn, tổng đàn đã bằng hoặc cao hơn trước dịch. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khả năng cuối quý III nguồn cung đạt 90% nhu cầu, đó là chưa kể nguồn heo thịt cho phép nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn, đã về và sắp về đến Việt Nam.
Phải giảm giá heo hơi cũng như thịt heo khi đến tay người tiêu dùng về với giá thực để vừa bảo đảm quyền lợi cho các bên vừa bình ổn thị trường. Phải cắt giảm tối đa chi phí trung gian, thậm chí giảm cả lợi nhuận của DN chăn nuôi, DN phân phối để dung hòa với quyền lợi của người tiêu dùng, đó mới là sự công bằng cần có!
CẢNH HƯỞNG