Hôm nay (15-4), Thủ tướng và Thường trực Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá toàn diện kết quả việc thực hiện Chỉ thị 16, những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh cũng như xem xét, quyết định phương án phù hợp nhằm bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, trước khi Chính phủ có quyết định mới về phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, người dân cả nước vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, kiên định với chiến lược chống dịch đã đề ra để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước đó, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 13-4, sau khi phân tích kỹ lưỡng kết quả đạt được và những tồn tại sau 13 ngày thực hiện cách ly xã hội, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và người dân cả nước tiếp tục kiên định với chiến lược chống dịch đã đề ra để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Phát biểu tại cuộc họp này, Thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. “Nếu lơi lỏng sẽ vỡ trận, xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị và nhân dân đã dày công xây dựng suốt vài tháng qua”, Thủ tướng nói.
Thực tế cho thấy, kết quả đem lại từ khoảng thời gian cách ly xã hội vừa qua là hết sức quan trọng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh. Hai ổ dịch lớn là Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) và quán bar Buddha (TP.Hồ Chí Minh) đã được khoanh vùng dập dịch và khống chế gần như hoàn toàn. Tính đến thời điểm này, tại cả hai ổ dịch lớn nói trên đều không phát sinh thêm ca bệnh mới. Điều đó cho thấy kết quả của khoảng thời gian cách ly xã hội là cần thiết để “khóa chặt từ bên ngoài, tích cực chữa trị từ bên trong, khoanh vùng dập dịch nhanh có hiệu quả”.
Mặc dù đã thực hiện cách ly xã hội với các biện pháp gắt gao, nhưng trong thời gian này vẫn phát sinh thêm ổ dịch mới tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội). Đây là ổ dịch lớn nhất về lây lan trong cộng đồng. Điều đáng lo ngại là các ca bệnh lây lan tại ổ dịch này có sự đan xen, khó truy tìm dấu vết, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống, từ đó dẫn đến nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan rộng ra cộng đồng. Cùng với ổ dịch nói trên, điều đáng lo ngại đối với các nhà dịch tễ học là có ca bệnh đã được điều trị khỏi Covid-19, được kiểm tra nhiều lần, không có biểu hiện bệnh, nhưng khi lấy mẫu xét nghiệm lại thì dương tính với Covid-19 (bệnh nhân 22, TP.Đà Nẵng). Với những ca bệnh như thế này, nếu không sớm phát hiện để xử lý sẽ trở thành “ổ dịch di động” làm phát tán dịch bệnh trong cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đề nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết tháng 4-2020. Còn tại TP.Hà Nội, gần 1.700 nhà thuốc được lệnh phải báo cáo danh tính người dân đến mua các loại thuốc cảm, ho, giảm sốt… để dễ bề truy tìm dấu vết người bệnh trong cộng đồng. Trong khi lãnh đạo hai thành phố lớn nhất nước đang cố gắng thắt chặt biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thì một số người dân, đặc biệt là tại các địa phương chưa xuất hiện ca bệnh kể từ đầu mùa dịch, lại có dấu hiệu lơ là, mất cảnh giác.
Giãn cách xã hội, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay và không tụ tập đông người vẫn là những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Vì vậy, sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16, những biện pháp này vẫn còn nguyên giá trị, người dân không được lơ là, mất cảnh giác vì dịch bệnh còn kéo dài và chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
LÊ QUANG