Hôm nay (17-10) là ngày thế giới chung tay chống đói nghèo. Ở Việt Nam, 17-10 cũng là ngày Vì người nghèo. Không cần phải bàn luận thì hẳn nhiều người cũng đã hiểu ý nghĩa nhân văn của ngày này. Không chỉ trong phạm vi một địa phương, một quốc gia, chống đói nghèo còn mang tính toàn cầu, cần sự chung tay của cả nhân loại. Chống đói nghèo không chỉ một ngày, một tháng mà cần cả một quá trình sâu rộng, đầu tư nhiều công sức, tiền của mới mong đạt đến sự giảm nghèo bền vững.
Việt Nam chưa phải là một nước giàu nhưng có thể khẳng định người dân trên đất nước này đã qua lâu rồi thời khốn khó, đói ăn, thiếu mặc. Đó chính là kết quả của bao năm cả đất nước tập trung cho công tác xóa đói, giảm nghèo một cách căn cơ nhất. Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng phát biểu chỉ đạo quyết liệt rằng, dứt khoát không để người dân thiếu đói trong bất cứ hoàn cảnh nào. Địa phương nào để người dân thiếu đói thì đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Một đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, người dân đất nước đó thiếu lương thực để ăn là điều không thể chấp nhận!
Với Bình Dương, một địa phương có nền kinh tế phát triển thuộc tốp đầu của cả nước, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Trong điều kiện thuận lợi đó, nếu căn cứ vào chuẩn hộ nghèo của cả nước thì có lẽ trên địa bàn không còn hộ nghèo. Không bằng lòng với chuẩn hộ nghèo chung, Bình Dương đã nâng mức chuẩn hộ nghèo lên gấp đôi so với cả nước với thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng (đối với nông thôn), 1,1 triệu đồng/người/tháng (đối với thành thị). Đặt ra chuẩn hộ nghèo cao, Bình Dương quyết tâm vươn tới mục tiêu nâng cao mức sống cho người dân bằng mọi điều kiện có thể và đó chính là cách giảm nghèo bền vững nhất. Với điều kiện kinh tế hiện tại, mức độ lạm phát, giá cả tiêu dùng tăng cao, có lẽ chuẩn thu nhập 400.000 đồng/người/tháng đối với hộ nghèo của cả nước đã không còn phù hợp.
Chăm lo cho người nghèo, nhiều năm nay, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã thể hiện bằng nhiều chương trình, hành động cụ thể, thiết thực. Bình Dương đã xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo, người nghèo tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện các nhóm giải pháp lồng ghép vào các chương trình, dự án một cách bền vững. Giúp người nghèo không chỉ là hiện kim, hiện vật nhất thời mà cái chính là hỗ trợ họ cái “cần câu” để vươn lên trong cuộc sống, để họ có điều kiện “từ biệt” cái nghèo thực sự. Chuẩn nghèo cao, đòi hỏi nỗ lực lớn của các cấp, các ngành và cơ bản nhất là nỗ lực của chính bản thân người nghèo!
CẢNH HƯỞNG