“Cứu doanh nghiệp phải bằng giải pháp cụ thể, quyết liệt!”

Cập nhật: 12-07-2012 | 00:00:00

 Là đại biểu HĐND tỉnh và là thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, với tham luận được đánh giá tích cực, sâu sát về tình hình kinh tế - xã hội thông qua công tác giám sát giữa hai kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thanh Trung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương đã đi sâu tìm hiểu những khó khăn cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Góp phần cùng các ngành tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN phù hợp, kịp thời, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Thanh Trung xoay quanh vấn đề này.

- Thưa ông, là thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách, trực tiếp khảo sát, giám sát tình hình hoạt động của cộng đồng DN, ông có thể cho biết rõ hơn những khó khăn của cộng đồng DN hiện nay?

- Khó khăn lớn nhất hiện nay của cộng đồng DN vẫn là nguồn vốn, lãi suất ngân hàng (NH) cao, nợ cũ còn nhiều, sức mua thấp... dẫn đến hàng tồn kho lớn, nhưng DN vẫn phải sản xuất! Qua đó cho thấy, Nghị quyết 13 của Chính phủ ban hành rất kịp thời, đúng lúc, đáp ứng niềm mong đợi của cộng đồng DN, nhưng khi triển khai thực hiện thì thiếu sự phối hợp đồng bộ, cụ thể và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh. Điển hình như vấn đề lãi suất NH. Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo hạ lãi suất nhưng thực tế không phải như vậy. Có đại biểu là lãnh đạo DN cũng đã cập nhật thông tin lãi suất NH hàng ngày với kết quả không đúng như chỉ đạo (đại biểu đó sẽ có bài phát biểu tại kỳ họp này). Hay yêu cầu tập trung nguồn vốn hỗ trợ DN vượt qua lúc khó khăn này, nhưng thực tế khi các DN đến với NH thì cách thức hướng dẫn để tiếp cận nguồn vốn này không rõ ràng, dẫn đến khó khăn cho DN.

Thực tế hiện nay của nhiều DN là lượng hàng tồn kho lớn. Với lượng hàng tồn kho này, các DN mong muốn mở ra giải pháp mới mẻ hơn, như thế chấp lượng hàng đó để vay vốn tiếp tục sản xuất, nhưng phía ngân hàng cho rằng các DN chưa đưa ra giải pháp kinh doanh hiệu quả, không bảo đảm hoàn vốn nên các NH còn e dè trong vấn đề này.

Vấn đề quan trọng thứ hai là những chính sách liên quan đến Nghị quyết 13 là giảm, giãn, hoãn, miễn thuế cho DN nhưng khi triển khai thực hiện thì vẫn còn chậm; chưa thật sự hiểu biết lẫn nhau trong vận dụng các quy định như vấn đề ưu tiên hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Do vậy, cần có sự đối thoại để nắm bắt thông tin và hiểu biết nhau hơn. Để khắc phục tình trạng này cần có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, cũng như của cộng đồng xã hội, để chính sách phát huy hiệu quả, đi được vào cuộc sống.

- Nhưng thưa ông, vấn đề hàng tồn kho, nợ xấu, nợ cũ... là những món mà ngân hàng không mong muốn. Là doanh nhân giàu kinh nghiệm thực tiễn, ông có sáng kiến gì để NH và DN có thể gặp nhau và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này?

- Trong cuộc họp của Ban Kinh tế - Ngân sách có đại diện NHNN tham dự và đưa ra ý kiến, sắp tới NHNN sẽ ban hành văn bản trên cơ sở nhận thấy khó khăn của DN cũng như những vướng mắc mà NH lo sợ, e dè. Vì NH thì lo nợ xấu, hàng tồn kho nhiều, trong khi DN thì cần vốn mà đem hàng tồn kho đi thế chấp để tiếp tục sản xuất, khiến NH không an tâm là phải. Thật ra, phía NH làm như vậy cũng không sai vì đó là quy định và cũng là điều kiện bảo đảm an toàn và phát triển của NH. Cho nên giải pháp mà NHNN đưa ra là nhằm trung hòa giữa hai cái này để DN và NH gặp nhau, hiểu nhau, nhằm giúp nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

- Cá nhân ông cũng là lãnh đạo của một DN, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để công ty do ông lãnh đạo đứng vững và có chiều hướng phát triển trong thời điểm nhiều khó khăn như hiện nay?

- Riêng với DN chúng tôi thì ngay từ đầu khi lạm phát phát sinh, lập tức chúng tôi đã ngồi lại để đánh giá, phân tích rất cụ thể, chi tiết về chu kỳ lạm phát, nguyên nhân cùng các yếu tố chủ quan, khách quan xung quanh để biết được sau lạm phát sẽ là cái gì, vì đây là quy luật của nền kinh tế nhằm đề ra giải pháp thích hợp. 

Giải pháp mà chúng tôi thực hiện là: “Hiện thực hóa lợi nhuận và tối ưu hóa hiệu quả”, trong đó yêu cầu “cắt - cắt - cắt” được lặp đi lặp lại nhiều lần, như: Cắt giảm các chi phí không cần thiết như xăng xe, điện thoại, văn phòng phẩm và các hoạt động liên quan. Cao hơn nữa là tái bố trí lại nhân sự. Ví dụ như trước đây một người làm một việc thì nay một người có thể làm được nhiều việc bằng cách gộp và kết hợp hài hòa các công việc có cùng nhóm và đặc thù về chuyên môn nghiệp vụ lại với nhau. Biện pháp này thời gian qua đã phát huy được hiệu quả. Để bảo đảm cho một người làm được nhiều việc một cách hiệu quả thì lãnh đạo công ty cần tạo ra môi trường và không gian làm việc thuận lợi, chuyên nghiệp và khoa học hơn, bao gồm việc xem xét lại hệ thống máy móc, thiết bị nếu đã cũ, lỗi thời thì hiệu quả công việc sẽ không cao, lại còn hao tốn năng lượng nên cần phải thanh lý để thu hồi vốn, cài đặt phần mềm ứng dụng trên máy vi tính để giải quyết bớt phần công việc... Số tiền này nếu không có nhu cầu sử dụng thì mang đi gửi NH vì trong lúc lạm phát lãi suất NH sẽ rất cao. Như thế mình đã trực tiếp tạo ra lợi nhuận từ những cái có thể gây bât lợi cho mình.

- Xin cám ơn ông!

DUY CHÍ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=214
Quay lên trên