Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023: Đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm, vì sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương

Cập nhật: 18-05-2018 | 08:09:23

Sáng qua (17-5), tại Trung tâm Hội nghị triển lãm tỉnh đã diễn ra Đại hội Công đoàn (CĐ) tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2018- 2023. Với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm, vì sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương”, tổ chức CĐ các cấp sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), thực sự là chỗ dựa vững chắc và tin cậy của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); có sức hấp dẫn với NLĐ và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động.

 Ông Bùi Văn Cường (bìa phải), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng bức trướng “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm vì lợi ích của ĐVCĐ và NLĐ, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương và đất nước” và bảng biểu trưng đầu tư dự án thiết chế CĐ 350 tỷ đồng cho LĐLĐ tỉnh. Ảnh: T.THẢO

 Tham dự đại hội có ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng với 435 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 700.000 đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) và trên 1 triệu CNVCLĐ trong toàn tỉnh.

Trong nhiệm kỳ 2013-2018, các tổ chức CĐ trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức, quan tâm đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm và tập trung vào đối tượng NLĐ ở các doanh nghiệp (DN). Công tác phát triển ĐVCĐ và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) gắn với nâng cao chất lượng hoạt động CĐ; các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tổ chức CĐ cũng đã tích cực giáo dục, bồi dưỡng nhiều ĐVCĐ ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.

Các cấp CĐ đã tích cực phối hợp với ngành chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nắm tình hình để kịp thời giải quyết các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; duy trì việc định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các cấp chính quyền với cán bộ CĐCS và NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ĐVCĐ và NLĐ được thường xuyên thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả, góp phần giúp NLĐ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với DN và địa phương.

Tại đại hội, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cũng nhìn nhận, mặc dù tổ chức CĐ tỉnh Bình Dương đã có rất nhiều cố gắng, nhưng hoạt động CĐ trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế; một số chỉ tiêu chưa đạt theo nghị quyết đã đề ra. Chẳng hạn như số DN ngoài Nhà nước có tổ chức CĐ có thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) chưa đạt chỉ tiêu; số DN ngoài Nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ còn thấp... Vì vậy, tại đại hội này, các vấn đề tồn tại sẽ được nhìn nhận, đánh giá thực chất, đúng nguyên nhân để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Để chăm lo tốt hơn cho

 CNVCLĐ, đại hội đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2018-2023 là “đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động CĐ theo hướng lấy nhu cầu chính đáng của ĐVCĐ, NLĐ làm cơ sở hoạt động; nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ làm mục tiêu hoạt động; CĐCS khu vực DN làm địa bàn chủ yếu. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức pháp luật, tác phong lao động công nghiệp cho ĐVCĐ, NLĐ. Phát triển ĐVCĐ và xây dựng CĐCS khu vực DN vững mạnh. Tăng cường thương lượng, đối thoại nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nơi làm việc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường thu hút đầu tư và sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương.

Để đạt mục tiêu đó, CĐ tỉnh tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ đột phá. Đó là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ khu vực DN; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ; nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT; thiết lập mạng lưới hỗ trợ CĐCS, ĐVCĐ và NLĐ của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tại các khu công nghiệp.

Theo đó, nhiều giải pháp cũng được đại hội đề ra như: Tập trung phát triển ĐVCĐ, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ; nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức CĐ; nâng cao năng lực của cán bộ CĐ làm công tác chính sách; nắm bắt, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ và những vướng mắc từ thực tiễn để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật. Nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và TƯLĐTT tại DN; tăng tỷ lệ DN có tổ chức CĐ ký kết TƯLĐTT; tăng cường vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong quá trình đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT…

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã biểu dương những kết quả mà các cấp CĐ trong tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời nhấn mạnh, các cấp CĐ trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, giúp ĐVCĐ, CNVCLĐ nâng cao nhận thức về giai cấp, về Đảng, về tổ chức CĐ, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý thức tự lực, tự cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, không bị kích động, lôi kéo bởi các thế lực thù địch; nâng cao hiểu biết về tổ chức CĐ, pháp luật về lao động, pháp luật về CĐ cho CNVCLĐ, làm cho CNVCLĐ hiểu được lợi ích và tích cực tham gia vào tổ chức CĐ, đồng thời trở thành những nhân tố có ích cho xã hội. Tổ chức CĐ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh, nhất là đối với địa bàn đặc thù có đông NLĐ như Bình Dương; phải xác định trọng tâm trong những năm tới là xây dựng tổ chức CĐ trong các DN và đối tượng chú trọng để tập hợp vào tổ chức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là NLĐ trong các DN. Các cấp CĐ trong tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể về “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động CĐ tỉnh Bình Dương trong tình hình mới”, gắn với thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, với mục tiêu là phải xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ từ cấp tỉnh đến cơ sở có năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, vừa thông thạo nghiệp vụCĐ, cókhả năng vận động, tập hợp quần chúng, có trách nhiệm, tâm huyết đối với ĐVCĐ và NLĐ; từng bước phát triển đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách chuyên nghiệp; thiết lập mạng lưới hỗ trợ NLĐ ở các khu, cụm công nghiệp và các DN có đông NLĐ...

 Một số chỉ tiêu phấn đấu của CĐ tỉnh giai đoạn 2018-2023:

 Kết nạp ít nhất 150.000 ĐVCĐ; đưa tỷ lệ ĐVCĐ trong các CĐCS khu vực Nhà nước đạt trên 90%, CĐCS khu vực DN đạt 80% trở lên so với tổng số lao động trong đơn vị. Thành lập CĐCS ở 100% DN có từ 25 lao động trở lên. Phấn đấu hàng năm có 80% trở lên CĐ cấp trên cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh; 80% trở lên CĐCS khu vực Nhà nước, 55% trở lên CĐCS khu vực DN, đơn vị sự nghiệp có vốn ngoài Nhà nước, nghiệp đoàn cơ sở, đạt tiêu chuẩn vững mạnh. 90% cán bộ CĐ chuyên trách các cấp có trình độ đại học; 100% cán bộ là Ủy viên Ban Chấp hành CĐCS được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng công tác CĐ. 70% CĐCS trong các DN thành lập được Ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Thu tài chính CĐ đạt 90% so với số phải thu kinh phí và đoàn phí CĐ theo quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hàng năm, bình quân mỗi CĐCS bồi dưỡng, giới thiệu ít nhất 1 ĐVCD ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Có 70% trở lên số DN có CĐ tổ chức các hình thức dân chủ tại cơ sở. Ít nhất 70% DN ngoài Nhà nước có thương lượng và ký kết TƯLĐTT, ít nhất 80% TƯLĐTT có nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật, trong đó có ít nhất 35% TƯLĐTT đạt loại A. Hàng năm, có 80% trở lên số ĐVCĐ và NLĐ nơi có tổ chức CĐ được CĐ cung cấp, phổ biến thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của CĐ. Phấn đấu có từ 60% trở lên số ĐVCĐ và NLĐ nơi có tổ chức CĐ được tuyên truyền, vận động tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp...

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=568
Quay lên trên