Các học viên học lớp cắt tóc miễn phí tại cơ sở dạy nghề ở phường Dĩ An (TX.Dĩ An) đang thực hành nghề
Từ đầu tư đổi mới phát triển dạy nghề
Hội thảo chuyên đề về “Dạy nghề đáp ứng nhu cầu DN và thị trường lao động” cùng với chính sách hỗ trợ DN đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có hộ khẩu trên địa bàn Bình Dương chính là lối mở, là cầu nối giữa các trường nghề và DN. Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết từ hội thảo này, Bình Dương đã xây dựng các dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” và “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)”. Hai dự án ra đời kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển các nghề trọng điểm và trường ngoài công lập, trường thuộc DN Nhà nước được lựa chọn trọng điểm từ 2011 đến 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 1466/QĐ-BLĐ- TB&XH ngày 22-10-2012 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
Sau khi phân định nghề và trường được lựa chọn trọng điểm, theo con số thống kê đến nay, Bình Dương hiện có 9 trường có nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia trở lên, trong đó có 6 trường trực thuộc tỉnh. Ông Trung cho biết thêm năm nay, kinh phí đầu tư cho dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” là 15 tỷ đồng, được phân bổ cho 5 trường: Cao đẳng Nghề (CĐN) Việt Nam - Singapore; Trung cấp Nghề (TCN) Việt - Hàn, TCN Tân Uyên, TCN Dĩ An và TCN Bình Dương, mỗi đơn vị 1 tỷ đồng. Và đến nay, các trường TCN Dĩ An, TCN Tân Uyên, TCN Bình Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục, 2 trường đang bước đầu thiết lập danh mục mua sắm.
Không chỉ năm nay, năm 2011 và 2012, trường CĐN Việt Nam - Singapore còn được phân bổ 9 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư trang thiết bị; trong đó đã nghiệm thu gói thầu cơ khí - nguội sửa chữa máy công cụ với kinh phí 4,843 tỷ đồng, gói thầu điện - điện tử công nghiệp do một số thiết bị công nghệ cao vận hành chưa đạt nên phải chuyển sang năm 2013 với kinh phí 4,050 tỷ đồng. Đến nay, trường đã nghiệm thu và thanh quyết toán gói thầu. Đối với trường TCN Bình Dương, năm qua, ngân sách Trung ương cũng cấp cho 2 tỷ đồng, trường TCN Tân Uyên 2 tỷ đồng… Hai trường này đã sử dụng kinh phí dùng để mua sắm trang thiết bị dạy nghề…
Đến đầu tư đào tạo nghề cho LĐNT
Để LĐNT ngày càng đến học nghề ở các trường nghề trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của DN, bằng các hình thức tuyên truyền, ngành LĐ-TB&XH từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố đã phối hợp các ngành, đoàn thể có liên quan thường xuyên tổ chức tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT bằng cách lồng ghép trong các cuộc họp định kỳ, đồng thời soạn thảo 70 quyển sổ tay đào tạo nghề cho LĐNT và 440 quyển sách thông tin về các chính sách, thị trường lao động dạy nghề và việc làm.
Song song đó, ngành cũng đã phối hợp hỗ trợ LĐNT học nghề với 6 nhóm nghề, cụ thể là nhóm nghề nông nghiệp như trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su, có 461 học viên theo học; nhóm nghề phi nông nghiệp gồm nấu ăn đãi tiệc; lắp ráp, cài đặt và sửa chữa máy vi tính; lái xe nâng hàng, có 267 học viên theo học... Ông Trung cũng cho biết, với 6 nhóm nghề này, dự kiến từ nay đến cuối năm, ngành phấn đấu nâng số lượng lên 1.415 học viên theo học đạt 100%. Đối với hoạt động phát triển giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, ông Trung nói hiện đã có 29 giáo viên tham gia dạy nghề cho LĐNT, trong đó, số giáo viên đạt chuẩn là 24 giáo viên chiếm 82,7% đã góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT.
Để tiếp tục phát triển dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm của DN, đồng thời triển khai Quy hoạch mạng lưới dạy nghề giai đoạn 2009-2020, với mục tiêu phấn đấu năm 2014 sẽ đào tạo cho 40.953 học viên, trong đó CĐN 1.830 sinh viên; TCN 3.294 học viên và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2013 đạt 68%, qua đào tạo nghề đạt 48%; bên cạnh đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, nâng cao năng lực cho 60 giáo viên các cơ sở dạy nghề, người dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn... Ông Nguyễn Phùng Trung đưa ra các giải pháp, trong đó ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi cho DN đào tạo nghềvà giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn, yếu tố quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa về dạy nghề, khuyến khích việc mở các cơ sở dạy nghề tư nhân, nâng số cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh năm 2014 lên 64 cơ sở. Có tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo thì các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh mới gắn kết nhu cầu thị trường lao động và DN, góp phần giải quyết lao động có việc làm đã qua đào tạo ngày càng đông hơn.
Toàn tỉnh hiện có 55 cơ sở dạy nghề gồm 5 trường CĐN, 1 trường đại học tư thục dạy trình độ CĐN, 7 trường TCN, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp dạy trình độ TCN, 12 trung tâm dạy nghề và 29 đơn vị khác có tham gia hoạt động dạy nghề. Đến tháng 6-2013, các cơ sở dạy nghề đã tiếp nhận và đào tạo 16.637 học viên học nghề, đạt 51,68% kế hoạch, trong đó có 173 học viên hệ TCN, còn lại là sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng. Theo dự kiến từ nay đến cuối năm, các cơ sở dạy nghề sẽ tuyển 1.830 sinh viên hệ CĐN, 2.850 sinh viên hệ TCN và 27.527 học viên sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, qua đào tạo nghề đạt 46%.
KIM HÀ