Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả heo châu Phi, diễn biến giá cả của thịt heo trên thị trường trở nên thất thường. Sau thời điểm dịch bệnh, giá thịt heo tăng phi mã và trở thành một bài toán đến nay vẫn chưa có lời giải. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá thịt heo tăng đột biến và không chịu “hạ nhiệt”, mặc dù nhiều giải pháp mang tính vĩ mô đã được đưa ra, vẫn là do thiếu hụt nguồn cung dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu.
Để bình ổn thị trường thịt heo, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, giá thịt heo trên thị trường vẫn không giảm được như mong muốn. Người tiêu dùng vẫn phải “e dè” khi lựa chọn thịt heo để phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày bởi giá cả quá đắt đỏ. Trong khi doanh nghiệp kêu khó vì phải mua heo hơi với giá đầu vào tăng cao, thì người chăn nuôi, trừ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mang tính gia đình, thực tế chủ yếu chỉ làm công đoạn nuôi gia công, cũng không được hưởng lợi gì nhiều. Vậy tại sao giá thịt heo lại chưa thể được kiểm soát, bình ổn trở lại?
Vấn đề mấu chốt là tình trạng mất cân đối cung - cầu của thịt heo trên thị trường. Việc tiêu hủy đàn heo trong thời điểm dịch tả heo châu Phi đã làm thiếu hụt nguồn cung thịt heo hơi, trong khi việc tái đàn, tăng đàn heo gặp khó khăn vì thiếu heo giống. Để giải quyết tình trạng mất cân đối này, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm bảo đảm nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý III; tính toán cả phương án nhập khẩu heo sống; đồng thời chủ động có phương án điều hòa cung - cầu thịt heo trên thị trường... Các biện pháp này nếu thực hiện tốt, sẽ tác động, làm cho giá thịt heo trên thị trường “hạ nhiệt”.
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là công tác quản lý thị trường, điều hành giá cả. Thực tế cho thấy, tái đàn heo nhanh, lớn, chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp chăn nuôi, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại gia đình, việc tái đàn cũng khó mà thực hiện một cách quy mô. Trong khi đó, nắm được nguồn cung, tái đàn, doanh nghiệp chăn nuôi vẫn hoàn toàn có thể tác động đến yếu tố cung - cầu thịt heo trên thị trường, như tình trạng “găm hàng” chẳng hạn. Do đó, cùng với các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung, cần phải có biện pháp cụ thể trong quản lý thị trường, điều hành giá cả đối với thịt heo, bảo đảm theo quy luật cung - cầu một cách hợp lý.
THÀNH SƠN