Để “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”

Cập nhật: 07-09-2015 | 08:28:53

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đó là định hướng, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta từ lâu nhằm mục đích xây dựng và phát triển đất nước thịnh vượng, phồn vinh.

Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”. Vậy mà, hai lĩnh vực nền tảng, hàng đầu ấy hiện lại đang đứng ở hàng cuối cùng trong bảng xếp hạng của Bộ Nội vụ về công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 vừa diễn ra đầu tháng 9-2015 (Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt chỉ số 71,19%; Bộ Khoa học và Công nghệ đạt chỉ số 71%).

Có thể chưa trọn vẹn khi nhìn chỉ số này để đánh giá những kết quả của 2 ngành nói trên vì còn liên quan đến đặc điểm cụ thể của từng ngành. Tuy nhiên, con số ấy lại biết nói lên sự năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong điều hành của từng ngành. Riêng đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo trong thời gian qua đã có nhiều vấn đề bất cập làm cho người dân chưa an tâm như chương trình dạy học, tổ chức thi cử, sách giáo khoa…

Làm gì để giáo dục trở thành hàng đầu đúng nghĩa như chủ trương đã đề ra? Câu trả lời thuộc về những người lãnh đạo, làm công tác quản lý giáo dục nước nhà. Song, người dân có quyền đòi hỏi ngành giáo dục phải có chiều sâu hơn nữa, năng động hơn nữa, tư duy thông minh hơn trong các quyết sách của mình. Phải cần thực chất, tránh bệnh thành tích. Lãnh đạo ở ngành hàng đầu cũng phải hàng đầu, phải là “hiền tài” đúng nghĩa.

Trong giáo dục, mỗi quốc gia có một đặc điểm riêng nhưng nhìn chung, nền giáo dục của những quốc gia phát triển đều thấy rõ giá trị cốt lõi xuyên suốt của họ. Singapore chẳng hạn, họ đi từ thấp lên cao theo 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ cụ thể. Trong giai đoạn đầu (1959-1978), mục tiêu của ngành giáo dục là đào tạo “công dân hữu ích, người tốt”. Trong giai đoạn 2 (1979-1996) tiến hành cải cách giáo dục, dùng sách giáo khoa chất lượng cao, đa dạng hóa bậc phổ thông trung học hướng tới đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, sinh viên kỹ thuật và khoa học. Giai đoạn 3 (từ năm 1997 đến nay) giáo dục Singapore nhắm tới sáng tạo, đổi mới và nghiên cứu. Giai đoạn này, Singapore thực thi tầm nhìn chiến lược “Nhà trường tư duy, Quốc gia học tập” như một định hướng đổi mới giáo dục. Nhà trường trở thành nơi phát huy tư duy sáng tạo, say mê học tập và hun đúc tinh thần phục vụ đất nước. Đồng thời, học tập trở thành văn hóa quốc gia, sự sáng tạo và đổi mới ăn sâu vào mọi tầng lớp xã hội.

Bước vào năm học mới 2015-2016, trong lễ khai giảng, Chính phủ yêu cầu chú trọng đối tượng chính là học sinh và giáo viên, nghĩa là đi vào thực chất ngay từ đầu buổi lễ. Trước đó, trong thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục cũng đã nhấn mạnh: “…Cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị chu đáo, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, góp ý của nhân dân, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh để các biện pháp đề ra thực hiện đạt kết quả cao, tạo được sự đồng thuận xã hội...”.

Với những yêu cầu đổi mới, sáng tạo, đi vào thực chất, kỳ vọng ngành giáo dục - đào tạo nước nhà sẽ trở thành “hàng đầu” đúng nghĩa trong những năm tới.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1101
Quay lên trên