Đổi mới, nâng chất thu hút đầu tư nước ngoài

Cập nhật: 02-10-2019 | 18:46:31

Ngày 20-8-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030. Định hướng thể chế, chính sách thu hút FDI “thế hệ mới” là hợp tác đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế đất nước và hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian qua, Bình Dương là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ðể nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, tỉnh Bình Dương xác định thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, tập trung vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, sản xuất, chế biến với công nghệ cao, công nghệ sạch, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường… Cụ thể, tỉnh ưu tiên thu hút FDI vào các ngành có công nghệ cao, gia tăng xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản xuất sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cho lộ trình xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, các ngành được khuyến khích đầu tư sẽ là công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học. Cùng với đó, tỉnh sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ giải trí... Ðể đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các ngành, các cấp, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, không ngừng cải thiện, nâng cao các chỉ số cạnh tranh, thực hiện tốt cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.

Để đáp ứng yêu cầu đó, ở tầm vi mô các đơn vị liên quan cần phải chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với “động cơ” và mục tiêu chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia; chuyển tư duy thu hút đầu tư FDI theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn. Giải pháp thực hiện được đặt ra là cần quan tâm, chú trọng việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số để tất cả các thành phần kinh tế được hưởng lợi và các thể chế, chính sách đều hướng tới việc liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để phát triển nền kinh tế mạnh, bền vững.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1788
Quay lên trên