Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được Bình Dương triển khai quyết liệt đã tạo điều kiện cho LĐNT tích cực tham gia học nghề phù hợp với khả năng, việc làm để tạo thu nhập ổn định. Công tác này cũng nhằm nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đào tạo nghề cạo mủ cao su cho lao động nông thôn ở TX.Tân Uyên
Hướng đi đúng
Đào tạo nghề cho LĐNT hiện nay thật sự cần thiết cho quá trình CNH-HĐH nông thôn, tạo cho LĐNT có tay nghề chuyên môn và việc làm ổn định để tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần tích cực đột phá có chiều sâu trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm của tỉnh.
Theo ghi nhận tại huyện Phú Giáo, là địa phương còn quỹ đất để phát triển nông nghiệp nên huyện tập trung đào tạo các ngành nghề thuộc nhóm nông nghiệp cho LĐNT như: Trồng - chăm sóc và khai thác mủ cao su, trồng - tạo dáng và chăm sóc cây cảnh, trồng rau an toàn, trồng rau mầm... dựa theo nhu cầu của người lao động và thế mạnh của địa phương, đồng thời cũng tổ chức mở lớp đối với các nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp: Lái xe nâng hàng, nấu ăn đãi tiệc, may gia dụng, trang điểm, cắt uốn tóc... nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp việc phát triển đô thị.
Nhìn chung, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người lao động. Nhận thức của người lao động về việc học nghề dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Các khóa đào tạo ngắn hạn đã trang bị cho người học các kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp. Việc tổ chức đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ”. (Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) |
Bà Trần Thị Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, tỷ lệ LĐNT trên địa bàn huyện có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu, kế hoạch và chất lượng LĐNT trên địa bàn huyện đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần giúp cho nhiều lao động có việc làm, cải thiện cuộc sống.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, công tác dạy nghề LĐNT đã được triển khai quyết liệt và đi vào chiều sâu mang ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế mà xã hội cần. Trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương luôn nỗ lực thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Trung tâm phối hợp với các địa phương, các cấp, các ngành, đoàn thể ở các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên để mở những lớp dạy nghề cho LĐNT theo đề án dạy nghề cho LĐNT của tỉnh Bình Dương. Các ngành nghề đào tạo đã bám sát với chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2010-2019, tổng số LĐNT được học nghề: 16.368 người; trong đó, nhóm nghề nông nghiệp: 7.897 người, nhóm phi nông nghiệp: 10.428 người.
Sau khi tốt nghiệp các khóa học, người lao động được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận vào làm việc với mức lương ổn định; đặc biệt có một số người đã tự tạo việc làm sau khi được học nghề. Bên cạnh đó, nhiều người lao động đã đăng ký học thêm để nâng cao tay nghề, góp phần tích cực có chiều sâu trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm của tỉnh.
Những mô hình hiệu quả
Để đề án thực sự đi vào cuộc sống, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện; giao nhiệm vụ đào tạo nghề LĐNT cho các huyện, thị, thành phố để triển khai phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, ngành và Trung ương đưa tin, viết bài, làm phóng sự tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho LĐNT...
Trong giai đoạn từ năm 2010-2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thí điểm một số mô hình đào tạo nghề có hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh. Dựa vào tình hình thực tế của từng địa phương, sở đã triển khai, hoàn thiện và nhân rộng một số mô hình dạy nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả, cụ thể như: Mô hình cơ quan Nhà nước (Phòng Kinh tế, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với các cơ sở dạy nghề có chức năng trên địa bàn tổ chức dạy nghề trực tiếp tại các xã, phường, thị trấn của tỉnh nếu người lao động có nhu cầu. Trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các doanh nghiệp (đối với nhóm nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp) hoặc hội đoàn thể ở địa phương trên địa bàn (đối với nhóm nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp). Đây là mô hình hiệu quả nhất của tỉnh trong thời gian qua, đang được áp dụng và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Hay mô hình cơ quan Nhà nước (Phòng Kinh tế, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với hội đoàn thể, hội nghề nghiệp ở địa phương (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) tổ chức dạy nghề cho các hội viên. Mô hình này chủ yếu gắn với các đề án dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, đã được triển khai, tổng kết…
Năm 2020 là năm cuối thực hiện đề án, tuy bị ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT năm 2020 của tỉnh, các địa phương đã triển khai rà soát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề và khẩn trương tổ chức các lớp đào tạo nghề cho LĐNT theo kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 70 lớp với tổng số LĐNT được học nghề là 1.706 người (đạt 110.8% so với chỉ tiêu năm 2020 là 1.540 người).
TƯỜNG VY