Lâu nay, có quá nhiều chuyện về người nông dân nước ta. Một lực lượng chiếm gần 80% dân số cả nước sống bằng nghề nông, sản xuất ra lương thực, thực phẩm chủ yếu cho xã hội nhưng hầu như phần đông đời sống của họ không khá lên được bằng chính nghề của mình.
Một thời người ta đòi hỏi ở người nông dân phải biết chọn trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, dấy lên nhiều phong trào đua nhau “trồng cây, nuôi con”. Lúc đầu giá cả còn chấp nhận được nhưng chỉ được một thời gian ngắn, giá cả tuột thảm hại. Trước tình cảnh đó buộc người nông dân phải “chuyển đổi cơ cấu” cây trồng, vật nuôi. Và điệp khúc “rớt giá” “ế hàng” cứ quanh đi quẩn lại! Phần thua thiệt luôn thuộc về người nông dân, cuộc sống khó mà khá lên được. Mới đây thôi, nông dân trồng rau củ ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) phải đổ rau củ cho bò ăn. Nguyên do là hàng ngàn ha rau củ bị rớt giá thê thảm. Nhiều nông dân chuyên trồng rau củ đành mang cà rốt, cà chua, xà lách, cải thảo, su su... làm thức ăn cho bò do giá quá thấp. Tuy nhiên, câu chuyện lần này ở Lâm Đồng không gói gọn ở “được mùa mất giá”, mà là câu chuyện của lối canh tác thiếu kế hoạch, thiếu liên kết... Bởi giá mua nông sản ghi nhận tại các nhà cung ứng rau củ lớn ở Lâm Đồng vẫn ổn định, một số chủng loại có phần tăng nhẹ. Rồi ở Đồng Nai, những chủ trại gà ở huyện Trảng Bom “bỗng dưng” ngồi trên đống nợ vì tất cả số gà nuôi đến ngày xuất chuồng chết vì cúm H5N1. Nêu một vài ví dụ cụ thể để thấy rằng người nông dân chúng ta quanh năm phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cực khổ trăm bề quần quật ngày đêm với mảnh vườn, thửa ruộng nhưng vẫn chịu thua thiệt, rủi ro…
Mới đây, trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng đã ủng hộ đề xuất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về một chương trình mới hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông). Đó là rót hàng trăm ngàn tỷ đồng cho nông dân cho chương trình tín dụng thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với 3 trọng tâm lớn là phục vụ ứng dụng công nghệ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; phục vụ mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp và phục vụ xuất khẩu nông thủy sản. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngồi lại với nhau để xây dựng nội dung triển khai cụ thể bằng các nghị định, thông tư.
Mặc dù chưa có những thông tin cụ thể hơn về chương trình trên nhưng có thể nói đây là cơ sở cho một bước đột phá mới về vấn đề tam nông nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà trước hết là hỗ trợ cho người nông dân. Việc đầu tư hàng ngàn tỷ đồng là nhằm giải quyết ngay việc vốn đầu tư xã hội trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đang có dấu hiệu giảm sút, nền sản xuất nông nghiệp còn ở trong tình trạng bị động, sức cạnh tranh thấp. Dẫn chứng là nhiều địa phương, diện tích trồng lúa, chuyên canh lúa hiệu quả thấp, đời sống người trồng lúa còn nhiều khó khăn, đáng lo ngại. Tình trạng nhiều nơi, người nông dân bỏ ruộng, rời bỏ sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng gia tăng. Có quá nhiều cấp trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp. Giá trị gia tăng hiện chủ yếu thuộc về cấp trung gian, người sản xuất thụ hưởng thấp…
NHẬT HUY