Giữ vững y đức luôn sáng ngời

Cập nhật: 27-02-2014 | 00:00:00

 Để hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả là chăm lo sức khỏe con người, bên cạnh tay nghề chuyên môn cao có thể nói y đức là phẩm chất cực kỳ quan trọng của người thầy thuốc. Để là người thầy thuốc đúng nghĩa với danh xưng này, y đức phải theo họ cho đến hết cuộc đời. Thật xúc động và đáng trân trọng khi hàng ngày được chứng kiến tận mắt và ghi nhận qua báo chí biết bao trường hợp y, bác sĩ và những cán bộ ngành y đã tận tâm, tận lực phục vụ người bệnh bằng chính tấm lòng và trách nhiệm thiêng liêng mà cuộc đời, xã hội đã giao phó cho họ. Từ thành thị, nông thôn cho đến hải đảo, miền núi xa xôi, địa bàn hiểm trở, nơi đâu cũng có hình ảnh những chiếc áo blouse trắng, những chiến sĩ tình nguyện ngành y không quản ngại khó khăn, căng thẳng và thậm chí rủi ro, tiềm ẩn bệnh nghề nghiệp nơi phòng mổ, phòng khám để bảo vệ, giành giật lại sự sống cho bệnh nhân... Thật khó có thể kể hết những sự hy sinh thầm lặng và cao cả ấy của người thầy thuốc để họ thực sự là chỗ dựa của bệnh nhân, góp phần tạo ra niềm tin yêu vào cuộc sống cho tất cả mọi người.

Y đức là phẩm chất cốt lõi, do đó những người công tác trong ngành y phải gìn giữ, trau dồi thường xuyên và suốt đời. Với một số người, đây là điều không dễ thực hiện. Cho nên, thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ tai tiếng gây “chấn động” và báo động về y đức của người thầy thuốc như vụ trẻ bị tử vong sau khi tiêm vắc-xin, tai biến sản khoa khiến sản phụ tử vong, rồi nhân bản xét nghiệm, “ăn” xén bớt vắc-xin, đánh tráo thủy tinh thể hay nổi cộm nhất là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường hành nghề gây chết người rồi vứt xác xuống sông phi tang... Dẫu biết rằng đó chỉ là thiểu số so với sự cống hiến to lớn của đội ngũ y, bác sĩ ngành y tế nhưng ít nhiều cũng đã làm sút giảm lòng tin vào hình ảnh người thầy thuốc. Nói như lý giải của GS-TS Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Tổng hội Y dược học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, thì do một bộ phận thầy thuốc chưa hiểu hết mục đích hành nghề của mình, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tính mạng người bệnh và lợi ích của bản thân; chính vì đặt lợi ích của bản thân lên cao và coi thường tính mạng của người bệnh nên đã phạm vào những sai lầm như thế.

Xã hội phát triển ngày càng đặt ra áp lực nặng nề hơn cho người thầy thuốc do những diễn biến về dịch bệnh, sự đòi hỏi nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, thái độ phục vụ người bệnh... Trong bối cảnh đó, ngoài việc nâng cao tay nghề chuyên môn thì vấn đề giữ vững, trau dồi y đức để giải quyết hài hòa các mối quan hệ, hoàn thành sứ mệnh mà xã hội giao phó cho người thầy thuốc càng trở nên quan trọng. Y đức không thể nói suông theo khẩu hiệu, cũng không thể giả tạo để đối phó mà nó xuất phát từ chính trái tim, tấm lòng của người thầy thuốc. Đó là cái gốc của vấn đề cần giải quyết, để giữ vững cho y đức luôn mãi sáng ngời.

 Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên