Cuộc gặp gỡ ấy ai nấy đều hân hoan, chờ đợi bởi họ sẽ được gặp lại bạn cũ, ôn lại kỷ niệm xưa từ những ngày còn chiến tranh ác liệt trước năm 1975. Các cô chú là lực lượng Quân - Dân y miền Đông đã có buổi gặp mặt xúc động như thế tại Tây Ninh…
Tự hào Quân - Dân y miền Đông
Sau 3 năm không có điều kiện họp mặt vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mới đây hơn 500 đại biểu là lực lượng Quân - Dân y của chiến trường miền Đông đã vui mừng khi được gặp nhau trong buổi họp mặt truyền thống Quân - Dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ lần thứ 31 tại hội trường Tỉnh ủy Tây Ninh. Các cô chú có người nay đã ngoài 80 tuổi đến từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau ai còn ai mất trong tình thân của đồng đội cùng chung chiến hào. Nhiều cô chú trong Ban Liên lạc đã mất để lại niềm tiếc thương cho mọi người…
Các cô chú là lực lượng Quân - Dân y miền Đông vui mừng khi gặp nhau ở Tây Ninh
Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Huỳnh Văn Nhị, Trưởng ban Liên lạc Quân - Dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ ôn lại truyền thống vẻ vang: Gần 80 năm trước, theo tiếng gọi của Đảng, các thế hệ thanh niên đã cùng nhau tập hợp dưới những tán rừng đại ngàn của Chiến khu Đ lịch sử, góp công sức, máu xương vào sự nghiệp kháng chiến chống quân xâm lược. Trong đoàn quân ấy có hàng ngàn cán bộ y tế vai mang túi cứu thương, tay cầm súng xông pha dưới làn bom, lửa đạn, đã chiến đấu để giành lại từng hơi thở, mạng sống của đồng chí, đồng đội thân yêu.
Trong điều kiện vô cùng gian khổ ác liệt, các y, bác sĩ lấy chiến hào làm nơi cấp cứu, lấy địa đạo làm phòng mổ đã kịp thời cứu sống nhiều đồng chí, đồng đội trong những giờ phút sinh tử. Sự hiểm nguy, thiếu thốn về dụng cụ, thuốc men vẫn không làm cho các chiến sĩ quân - dân y trên chiến trường miền Đông Nam bộ chùn bước. Họ luôn khắc phục khó khăn, kịp thời có mặt để cứu chữa thương binh dưới mưa bom, lửa đạn. Những hình ảnh đó mãi mãi in sâu vào tâm khảm của các thế hệ và đã trở thành huyền thoại trong lịch sử đấu tranh của dân tộc và truyền thống ngành y tế Việt Nam.
Buổi họp mặt xúc động này còn có các thầy thuốc trẻ, đoàn viên thanh niên tỉnh Tây Ninh. Đây là dịp ôn lại truyền thống Quân - Dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ. Buổi họp mặt đã gợi nhớ về những hồi ức hào hùng của một thời gian lao mà anh dũng cho thế hệ trẻ noi theo.
Thắm mãi tình đồng đội
Trong không khí thân tình của buổi họp mặt, những đồng chí, đồng đội năm xưa tay bắt mặt mừng thăm hỏi, ôn lại những năm tháng chiến đấu bên nhau của những ngày gian khó, ác liệt. Họ cũng bùi ngùi khi nhớ đến các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, mãi mãi nằm yên trong lòng đất mẹ. Họ nhớ nhiều người đã ra đi vì bệnh tật bởi những năm tháng chiến tranh ác liệt, thương tích và thiếu thốn. Những cán bộ, chiến sĩ Quân - Dân y Chiến khu Đ - miền Đông năm xưa nay mái đầu đã bạc. Biết bao ký ức ùa về làm họ như muốn nói mãi không hết chuyện.
Trong hai cuộc kháng chiến gian khổ ác liệt, Chiến khu Đ là biểu tượng sáng ngời của ý chí phi thường, kiên trung anh dũng của quân dân miền Đông Nam bộ, “Chiến khu Đ còn - Sài Gòn mất”. Đóng góp vào thắng lợi cuối cùng có một phần xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân - Dân y Chiến khu Đ cùng những hoạt động của Ban Liên lạc thời gian qua.
Tại buổi họp mặt, ông Lương Quang Lực cho biết ông từng công tác tại Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh. Hiện nay, ông tham gia Hội Cựu chiến binh tỉnh Tây Ninh. Gặp được nhau như thế này ông rất mừng và biết được ai còn, ai mất; biết đồng đội ai khó khăn để giúp đỡ, cưu mang. Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng nay đã 83 tuổi, ở Đồng Nai, cho biết bà gặp được nhiều người cùng công tác trước năm 1975. “Tôi rất vui khi thấy nhiều người cùng thời của mình còn khỏe mạnh. Nay cùng nhau ôn lại những ngày bom đạn ác liệt đã qua thật không có gì vui bằng!”, bà Hồng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hà Sinh (Bình Dương), Phó trưởng ban Liên lạc, cho biết có những người cùng chung chiến hào, cùng vào sinh ra tử với nhau nhưng nay mất liên lạc. Có được những buổi họp mặt truyền thống như thế này rất ý nghĩa để mọi người biết nhau, thăm nhau khi ốm đau, bệnh tật.
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Cao Văn Chí, nguyên Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh, trong kháng chiến, ông là Phó trưởng ban Dân y tỉnh Tây Ninh. Khi được mời giao lưu, ông cho biết mặc dù đang nằm viện điều trị bệnh nhưng nghe có buổi họp mặt truyền thống là “cố gắng khỏe để tham gia”. Những kỷ niệm của ông cùng đồng đội những năm tháng ở Chiến khu Đ thật cảm động bởi họ đã không quản khó khăn, thiếu thốn lo cho thương bệnh binh, góp phần công sức không nhỏ cho ngày Nam Bắc sum họp một nhà.
Những ngày tháng tư này, chúng ta thêm tự hào về truyền thống Quân - Dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ. Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng luôn trân trọng và ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy thuốc cách mạng đã cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân và cả mạng sống của mình cho công tác y tế, cứu chữa, chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo bác sĩ Huỳnh Văn Nhị, Trưởng ban Liên lạc Quân - Dân y Chiến khu Đ - miền Đông Nam bộ, những năm qua, Ban Liên lạc đã thực hiện được nhiều phần việc ý nghĩa, như: Thăm, tặng quà 10 thành viên lão thành Ban Liên lạc tỉnh Bình Phước; phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bình Phước khám, cấp thuốc và tặng 120 phần quà cho bà con ở một số xã của huyện Lộc Ninh; tặng học bổng vượt khó cho 10 em sinh viên trường Cao đẳng Y tế tỉnh Bình Phước; phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Tây Ninh khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho 160 người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên; tặng 10 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho sinh viên nghèo vượt khó của trường Trung cấp Y tế Tây Ninh… |
QUỲNH NHƯ