Được đánh giá là nước đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm liên quan tới gỗ nhưng bài toán nguyên liệu đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó cũng là nội dung mà các doanh nghiệp gỗ đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” diễn ra vào hôm qua (8-8), tại TP.Hồ Chí Minh.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản chính tháng 7-2018 ước đạt trên 681 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu lâm sản chính 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,025 tỷ USD, tương đương với 55,83% kế hoạch năm, giúp ngành lâm sản liên tục giữ mức tăng trưởng cao và dẫn đầu toàn ngành nông nghiệp về giá trị xuất khẩu. Hiện, ngành sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản đang tạo việc làm cho hơn 500.000 người tại các doanh nghiệp và hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn miền núi trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu. Sản phẩm gỗ, lâm sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và dự kiến năm nay, giá trị xuất khẩu đạt ít nhất 9 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản. Riêng ở Bình Dương, trong những tháng đầu năm 2018, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn tăng trưởng so với năm 2017, có khả năng đạt giá trị xuất khẩu gần 5 tỷ USD trong năm nay, chiếm một tỷ lệ rất cao so với cả nước. Tuy nhiên, cũng giống như các doanh nghiệp trong ngành trên cả nước, doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Dương cũng đang tồn tại những bất lợi do sử dụng nguyên liệu nhập khẩu lớn, chưa chủ động được trong lĩnh vực này dẫn đến thiếu tính ổn định bền vững. Để phát triển ổn định, các doanh nghiệp chế biến gỗ bên cạnh các vấn đề như vốn, năng lực sản xuất, đẩy mạnh tiếp thị và quảng bá thương hiệu sản phẩm thì nguồn nguyên liệu là vấn đề lớn. Cũng vì vậy mà các doanh nghiệp đã kiến nghị với Thủ tướng cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phụ liệu. Đây là những điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt xu thế hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.
Để thực hiện hóa giấc mơ gỗ Việt, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, để chủ động nguồn nguyên liệu, Chính phủ đã rất kiên quyết trong việc chỉ đạo trồng rừng. Điều này không những mang lại lợi ích cho ngành chế biến gỗ mà còn giúp nâng cao đời sống người dân sống bằng nghề rừng, qua đó người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng rừng. Đó cũng là giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước ngầm, chống sạt lở và giảm thiểu những tác hại của biến đổi khí hậu… Đó chẳng phải là một mũi tên trúng nhiều đích sao!
TRUNG ĐỒNG