Chọn ngành để học và khởi nghiệp

Cập nhật: 08-08-2018 | 08:15:41

Dù có một vài sự cố, nhưng kỳ thi THPT quốc gia “2 trong một” năm 2018 lấy kết quả thi để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học đã thành công. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng đang công bố điểm chuẩn và nhận hồ sơ xét tuyển. Đây cũng là thời điểm học sinh và các bậc phụ huynh đang bận rộn với việc chọn ngành nghề, chọn trường cho con em mình.

Phải khẳng định rằng, tất cả ngành học đều có cơ hội để lập nghiệp, khởi nghiệp. Vấn đề là học thế nào để có thể tạo việc làm cho mình. Tuy vậy, học sinh nên suy nghĩ trước tới việc lập nghiệp thay vì khởi nghiệp. Đồng thời, học sinh và các bậc cha mẹ cần trả lời được câu hỏi: nghề, ngành và trường nào phù hợp với bản thân? Như vậy ngay từ đầu việc quan trọng là phải chọn đúng ngành học.

Nhiều năm qua, do đầu vào được quá coi trọng cho nên đầu ra chẳng còn được quan tâm. Vì vậy hiện nay có hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp do không thể tìm được việc làm. Bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” đang cần có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ từ ngành giáo dục và đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực phải theo nhu cầu của xã hội là hướng đi đúng, là xu thế. Đào tạo nhân lực phải gắn với thị trường lao động. Vấn đề đặt ra là cần có định hướng phát triển của các ngành nghề trong xã hội. Trong khi chúng ta mở ra quá nhiều trường đại học, cao đẳng mà lại chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống trường dạy nghề.

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đã cho rằng đại học không phải là đích đến duy nhất, không phải là lựa chọn hàng đầu, mà học ngành gì để có một nghề nghiệp vững chắc, là điều kiện thuận lợi trong tìm việc làm và có thu nhập ổn định. Nhưng muốn học nghề cho ra nghề thì các trường cao đẳng, trung cấp nghề phải đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy. Hiện nay, lao động có bằng cấp, trình độ kỹ thuật vẫn đang thiếu hụt so với yêu cầu. Nắm lấy cơ hội này, các trường nghề cần phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng mở, đa dạng hóa các ngành nghề theo nhu cầu xã hội, chủ động xây dựng chương trình đào tạo, ký hợp đồng với doanh nghiệp để đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Tức là các trường nghề phải nhạy bén với nhu cầu thị trường, quan tâm đào tạo những ngành nghề mới theo yêu cầu xã hội.

Hiện nay, khái niệm khởi nghiệp đã không còn xa lạ, thậm chí nhiều học sinh, sinh viên đã nắm rõ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông và giảng đường đại học. Vấn đề đặt ra không chỉ là học ngành gì ra trường có việc làm mà còn học như thế nào để lập nghiệp, khởi nghiệp thành công

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=207
Quay lên trên