Gần cả tuần nay giá dưa hấu của nông dân Quảng Nam xuống thấp đến mức không tưởng, với 1.000 đồng/kg. Chuyện vứt bỏ, cho bò ăn chưa diễn ra nhưng nếu một vài ngày tới không tiêu thụ hết, tình trạng đó rất có thể sẽ lặp lại. Bao công sức, vốn liếng của nông dân sẽ bằng không nếu cứ mãi trông chờ hai tiếng “giải cứu”!
Không riêng nông dân Quảng Nam mà tình trạng nông sản trông chờ “giải cứu” diễn ra ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt các loại nông sản từ củ cải của các tỉnh phía Bắc, cà chua ở Nghệ An, dưa hấu ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, thịt heo trong cả nước, đặc biệt là ở các tỉnh miền Đông Nam bộ… đều liên tục đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, giá cả xuống thấp, thậm chí không tiêu thụ được. Nhưng tất cả đều chưa có những giải pháp căn cơ mà chỉ trông chờ “giải cứu”.
Không phải đến thời điểm hiện tại tình hình đầu ra nông sản gặp khó, vấn đề cung - cầu mới được đặt ra. Từ nhiều năm qua, có bao nhiêu cuộc hội thảo, bao nhiêu ý kiến tâm huyết của các chuyên gia thị trường đã lên tiếng. Nhưng xem ra chưa được áp dụng vào quá trình sản xuất - tiêu thụ. Các đơn vị quản lý chuyên ngành vẫn mãi ở tầm mức đưa ra khuyến cáo. Người nông dân vẫn cứ chạy theo kiểu sản xuất phong trào, bất chấp khi thu hoạch thị trường tiêu thụ thì “may nhờ, rủi chịu”!
“Giải cứu” nông sản thì ai cũng biết chỉ là giải pháp tạm thời và phần thua lỗ bao giờ cũng thuộc về người sản xuất. Vấn đề cốt lõi vẫn là sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Vấn đề đó người nông dân, một mình họ không có đủ điều kiện để giải quyết mọi chuyện liên quan mà đòi hỏi sự giúp sức, hỗ trợ từ các cấp chính quyền đền các đơn vị quản lý chuyên ngành cùng các nhà doanh nghiệp.
Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào đầu tháng 5, trước tình hình tiêu thụ nông sản khó khăn, người nông dân thua lỗ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi: “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt heo, sắp tới còn bị cái gì nữa?”. Thủ tướng chỉ ra rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng cần xem xét cả thị trường tiêu thụ chứ không chỉ tập trung vào sản xuất. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự. Triển khai ngay những chỉ đạo của Thủ tướng thì mới mong không lặp lại hai từ “giải cứu”!
TRIỆU PHONG