Giúp nhau bằng tấm chân tình…

Cập nhật: 10-09-2021 | 14:44:29

“Khi miền Trung gặp thiên tai bão lụt, người miền Nam lập tức có mặt trợ giúp, không đếm hết bao lần như thế. Người dân miền Trung quê tôi không bao giờ quên những ân tình của đồng bào miền Nam”, chị Lê Thị Minh (xã Tân Hiệp, TX.Tân Uyên), người con miền Trung xa quê, chọn Bình Dương làm quê hương thứ 2 đã rơi nước mắt khi nói về tình cảm, sự đùm bọc của người Bình Dương, người miền Nam dành cho người dân miền Trung lúc khó khăn, hoạn nạn. Cũng vì thế mà những ngày Bình Dương xảy ra dịch bệnh, chị đã biến căn biệt thự khang trang của mình thành “căn bếp nghĩa tình”, mỗi ngày chế biến 300kg thị gà kho sả ớt, nấu cả ngàn suất cơm gửi đi khắp các khu dân cư, khu cách ly trên địa bàn.

Phục vụ theo nhu cầu

Cái sảnh lớn chạy dọc căn biệt thự của chị Minh góc nào cũng đặt bếp nấu, với hơn 10 nhân công quần quật từ sáng cho đến chiều tối suốt hơn 3 tháng qua. Cái mùi gà kho sả ớt đã trở thành “mùi hương” quen thuộc trong căn nhà khang trang, len từ phòng khách cho đến phòng ngủ. “Góc nào cũng nghe mùi gà kho, nên người làm ở đây đã ngán gà, chỉ thèm rau luộc, cà pháo thôi”, chị Minh cười vui khi nói về công việc thiện nguyện của mình.

 Chị Lê Thị Minh tặng trang thiết bị y tế cho TP.Thủ Dầu Một

Nhìn những nồi thịt gà ngun ngút khói, nghe cái mùi ớt, tiêu, sả thơm nức mũi mà bụng dạ chúng tôi không khỏi cồn cào. Mỗi ngày, bếp ăn “biệt thự” của chị Minh chế biến khoảng 300kg thịt gà tươi sống. Những ngày đầu mới xảy ra dịch bệnh, gà nấu xong, nhân công của chị Minh cẩn thận cho vào hàng trăm tô nhựa sạch sẽ, khằng kín nắp đưa lên xe giao đến các khu cách ly tập trung, khu dân cư đang bị phong tỏa mà vẫn còn nóng hổi, thơm ngon. Món gà kho đặc biệt ấy đã chạy vòng quanh nhiều xã, phường từ Tân Phước Khánh qua Bình Chuẩn, đến Tân Hiệp về Phú Tân và một số phường trong TP.Thủ Dầu Một.

Làm từ thiện, nhưng bà chủ “bếp yêu thương” còn cẩn thận ghi rõ số điện thoại và cả tấm chân tình trên mỗi suất ăn: “Bà con ăn chưa ngon thì góp ý, hôm sau bếp ăn Lê Minh sẽ điều chỉnh để hợp khẩu vị”. Chị Minh tâm sự: “Tôi không coi việc làm của mình có gì to lớn cả, mà đang giúp bà con đang cách ly bằng cả tấm chân tình, xem họ như người ruột thịt mà mình đang được phục vụ. Bởi người miền Nam, Bắc, Trung có khẩu vị không giống nhau. Có người thích nhạt, có người thích mặn, có người không ăn được đồ cay. Tùy vào khu cách ly mà tôi thay đổi cách chế biến liên tục đó thôi, hôm sau bà con lại điện thoại cảm ơn, nên chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm”.

Gần đây, khi các khu cách ly tập trung không còn, món gà kho sả ớt “thương hiệu” của chị Minh được gửi vào các khu nhà trọ khó khăn, khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Biết được một số bà con muốn ăn gà nấu lá giang, vậy là hàng trăm ký gà được chia ra làm đôi, chỉ kho sả ớt một nửa cho những người cần, số còn lại chị để tươi nguyên, phân ra từng miếng cho vào hộp nhựa gửi đến từng nhà trọ.

 Món gà kho sả ớt được chị Lê Thị Minh (trái) trực tiếp đưa đến các điểm cách ly phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một

Những ngày sinh viên tình nguyện từ các tỉnh, thành vào Bình Dương hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm dịch tễ khắp địa bàn TX.Tân Uyên làm việc xuyên đêm, cũng đồng nghĩa bếp ăn “biệt thự” của chị Minh không ngừng đỏ lửa cho đến sáng. Chị lo cho lực lượng làm việc quá vất vả, lỡ khuya đói thì lấy cái gì bỏ bụng khi toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách, không thể mua bán. Bên cạnh đó, chị còn nấu hàng chục nồi cháo gà đêm khuya gửi đến lực lượng trực chốt và các lực lượng khác. Chị cũng thường xuyên liên lạc với các xã, phường trong và ngoài TX.Tân Uyên, ai cần cơm gà kho chị sẽ phục vụ ngay. Hiện mỗi ngày bếp ăn nhà chị Minh còn tăng công suất chế biến thêm 1.000 suất cơm sáng, chiều. Cứ thế, bếp nấu ngày một nhiều hơn, người phục vụ cũng đông hơn trước. “Mình cứ làm hết sức, lúc nào không kham nỗi mới thôi”, chị Minh nói.

Chỉ là sự sẻ chia

Bản thân là giám đốc của một công ty với khoảng 800 công nhân đang làm việc, nhưng chị Lê Thị Minh thường xuyên có mặt nơi tâm dịch. Hơn 3 tháng qua, ngày nào chị cũng dậy sớm để đặt mua hàng, sắp xếp công việc, khuya đến thì có mặt tại các chốt trực, nơi lấy mẫu xét nghiệm để chăm lo miếng ăn cho các lực lượng. Có hôm thấy chị mệt mỏi, không ít người khuyên chị về nghỉ ngơi vì lo chị ngã bệnh, nhưng hôm sau lại thấy chị mang cháo gà đến, họ chỉ biết lắc đầu chào thua.

Nhớ lại đợt dịch tháng 3-2020, khi nhìn thấy bà con trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công nhân lao động thiếu khẩu trang, bằng mối quan hệ rộng của mình, chị liên hệ ngay để đưa về một dây chuyền sản xuất khẩu trang, phần lớn là sản xuất để làm từ thiện. Rồi nào là gạo cơm, mắm muối được chia ra hàng trăm phần đến các khu nhà trọ, công nhân lao động. Năm nay, dịch bệnh kéo dài, chị không chỉ chăm lo tốt cho hàng trăm công nhân lao động của mình, mà còn giúp đỡ hàng trăm lao động ở các khu nhà trọ khó khăn với hàng ngàn phần quà là nhu yếu phẩm, gạo, mì, nước mắm...

Nói như chị Minh, hàng ngày ai cũng vắt sức lao động để kiếm được tiền. Tuy nhiên, khi nhìn thấy dịch bệnh hoành hành, giúp đỡ được nhiều bà con khó khăn thì dù có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng đáng. Vậy nên, chị không dám nhận mình là người làm tốt công tác từ thiện, mà chị coi đó chỉ là sự sẻ chia.

 Chị Minh tâm sự: “Nhiều lãnh đạo xã, phường trong tỉnh đã có số của Lê Minh, nên địa phương cần gì thì mình hỗ trợ ngay, chứ cũng không biết đâu mà giúp bà con. Theo tính toán ban đầu, tôi định bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để lo cho bà con vùng cách ly, cùng với đó là một số bà con khó khăn ở các khu trọ. Nhưng đến nay, tôi đã chi gần 10 tỷ và phải tiếp tục chi thêm, tùy vào diễn biến của bệnh có kéo dài hay không”.

QUANG TÁM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=429
Quay lên trên