Tiếp xúc với môi trường giáo dục an toàn là mơ ước của nhiều con em CNLĐ.
“Những điều tưởng như rất đỗi bình thường là có chỗ để gửi con để an tâm làm việc của mỗi bà mẹ lại là nỗi bức xúc dai dẳng của hầu hết CNLĐ nữ. Xây nhà trẻ cho con CNLĐ phải biến thành chương trình hành động, không thể cứ vận động rồi lại để đó, trong khi ngày ngày chúng ta vẫn nghe tin những đứa trẻ con CNLĐ bị bạo hành đến chết”, bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - phát biểu tại hội thảo “Vai trò của CĐ trong chăm lo cho con CNLĐ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo”, chiều 4.4 tại TPHCM.
“Chỉ mong sau một ngày làm được đón con bình yên”
Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó giám đốc sở GDĐT TPHCM - đánh giá: “Điều kiện chăm lo cho con em CNLĐ hiện tại còn rất bất cập, các trường chủ yếu giữ trẻ từ 3-5 tuổi, đối với trẻ 6 tháng tuổi, khi mẹ hết chế độ thai sản, việc gửi con rất khó khăn. Thực tế cũng thừa nhận là nhóm trẻ tư nhân đã đáp ứng nhu cầu này tuy nhiên việc quản lý nhóm trẻ còn nhiều hạn chế. Từ năm học 2014-2015, TP sẽ thí điểm giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại 8 quận, huyện”.
Ông Trần Công Khanh - Chủ tịch CĐ KCN-KCX TPHCM - cho biết, hiện nay tại 15 KCN-KCX TP có 5 nhà trẻ đã được đưa vào sử dụng, 3 dự án đang thực hiện các thủ tục pháp lý, 10 dự án đang lập dự án, tìm kiếm đầu tư, các dự án đã hoàn thành cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của con CN.
Chị Trần Thị Hoa - CN Cty may Minh Hòa, quận Gò Vấp - rơm rớm nước mắt, chia sẻ, mỗi sáng vào xưởng chị đều mang theo tâm trạng lo lắng cho đứa con 3 tuổi của mình đang gửi ở một nhóm trẻ gia đình. Chị lo không biết con chị có bị đánh, có được cho ăn, cho ngủ không khi mà những thông tin về bạo hành trẻ mầm non liên tục được báo chí phản ánh.
Cần phân định trách nhiệm rõ ràng giữa các bên
Tại hội thảo, các ý kiến cho rằng cần phân định rạch ròi nhiệm vụ của các bên trong công tác chăm lo, giáo dục cho con CNLĐ. Đại diện Cty Nissey, KCX Tân Thuận chia sẻ, Cty này cũng đã từng lên kế hoạch xây dựng nhà trẻ cho con CN của Cty, tuy nhiên vì kinh tế khó khăn, Cty lại chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền nên phải tạm hoãn lại. “Việc phối hợp giữa DN và Nhà nước nên rõ ràng, nếu DN đầu tư cơ sở hạ tầng xây trường thì Nhà nước sẽ tuyển giáo viên và chịu chi phí trả cho giáo viên”, đại diện Cty Nissey nói.
Ông Tôn Long Quốc Vinh - Cty Việt Nam Samho, huyện Củ Chi - cùng cho rằng khi DN mở nhà trẻ, nên ưu tiên cho DN có những tiêu chí riêng. Cty này đơn cử, Cty có 9.700 lao động, 79,1% là lao động nữ, khoảng 3.000 lao động nữ có con dưới 6 tuổi, phần lớn con em của những CN này không thể vào trường công lập. Năm 2010, Cty đầu tư 1.000 m2 trong khuôn viên Cty làm nhà giữ trẻ, hỗ trợ đồng phục, tiền sữa, đồ chơi cho con CN nên CN gửi con ở đây rất an tâm. “Khi thành lập nhà giữ trẻ, Cty chỉ thấy cần là làm mà không tìm hiểu, đến khi phòng giáo dục huyện Củ Chi cấp giấy phép là nhóm lớp thì yêu cầu nhà trẻ của Cty chỉ được nhận 60-80 em, trong khi nhà trẻ của Cty đang giữ trên dưới 200 cháu. Thú thật, việc lập nhà trẻ này là do CĐ và phòng nhân sự Cty đề nghị, nếu biết rắc rối thế này, giám đốc đóng cửa thì sẽ rất khó cho CN”, ông Vinh nói.
Khó khăn lớn nhất hiện nay khi xây dựng nhà trẻ chính là vướng quy định “các KCN-KCX không được xây dựng khu dân cư” theo Nghị định 192-CP. Bà Lê Thị Thu - nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban dân số, gia đình trẻ em, Phó Chủ tịch thường trực Hội quyền trẻ em Việt Nam - cho rằng muốn gỡ quy định về quỹ đất phải gỡ từ gốc, không thể ở dưới thì loay hoay tìm cách mà trên thì chưa thông.
Bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: “Cùng là NLĐ nhưng nhiều CN trong KCN-KCX đã không được gửi con vào trường công lập. Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi cùng một khoản học phí đó nếu con CN không gửi được vào trường công lập thì sẽ gửi đi đâu để được thụ hưởng công bằng. Khi nhóm trẻ gia đình không đủ điều kiện, chúng ta đã hỗ trợ gì cho nhóm trẻ gia đình không? Khi đóng cửa nhóm trẻ, những đứa trẻ học ở đó đi đâu? DN tham gia vào công tác giáo dục thì được hỗ trợ gì? Ngành giáo dục cũng phải có sự đổi mới, người làm công tác giáo dục cũng nên thích ứng với việc làm ca kíp để để phù hợp với thời gian làm việc của CNLĐ”.
Theo Lao Động