Nhiều năm qua, cùng với việc triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa tiêu dùng trong nước đã không ngừng nỗ lực cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nhằm xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Nỗ lực của các cấp, ngành, DN, sự ủng hộ của người tiêu dùng đã mang lại hiệu quả cao đối với cuộc vận động.
Thông tin từ hệ thống bán lẻ trên địa bàn cho thấy, hàng Việt chiếm tỷ lệ khá cao. Với kênh bán lẻ truyền thống chiếm khoảng 80%, kênh bán lẻ hiện đại từ 60 - 96%. Rõ ràng đó là một tỷ lệ đáng mơ ước, sự “phủ sóng” sâu rộng của hàng Việt Nam trên thị trường nội địa. Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường thực sự rất có ý nghĩa trong bước đường hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nội, hàng ngoại ngay tại thị trường Việt Nam. Ưu tiên sử dụng hàng Việt, ủng hộ DN Việt, ở một khía cạnh nào đó, người tiêu dùng nhận chân rõ giá trị hành vi tiêu dùng của mình, hàm chứa cả tình cảm và trách nhiệm đối với hàng Việt. Ở chiều ngược lại, cơ sở, DN sản xuất hàng Việt cũng phải cùng chung tinh thần đó, mang đến phục vụ “thượng đế” của mình những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp, cùng những chương trình khuyến mại hấp dẫn... Đáng mừng, trong nhiều năm qua, việc triển khai sâu rộng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các đơn vị chức năng, các địa phương, DN. Những hội chợ, phiên chợ hàng Việt được tổ chức thường xuyên, đặc biệt là các phiên chợ đưa hàng Việt về vùng xa, vùng nông thôn, các khu cụm công nghiệp đông công nhân lao động. Cơ sở, DN sản xuất, dù gặp nhiều khó khăn trong triển khai nhưng số lượng tham gia vào các phiên chợ, hội chợ hàng Việt ngày càng nhiều, hàng hóa phong phú, chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Lồng ghép vào các phiên chợ, DN, cơ sở sản xuất còn tổ chức hàng loạt, chương trình kích cầu tiêu dùng ý nghĩa như khuyến mại, giảm giá, bốc thăm trúng thưởng, các hoạt động từ thiện xã hội, trao quà cho người tiêu dùng khó khăn… Để hàng Việt “sống” khỏe trên thị trường nội địa, chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng trong nước cần phải có thêm nhiều thời gian. Hơn ai hết, chính các cơ sở, DN sản xuất cần phải tiếp tục các hoạt động liên quan đến hàng hóa một cách căn cơ, bài bản, đưa hàng Việt đến “gần” hơn với người tiêu dùng. Niềm tin muốn được củng cố, lan rộng, đòi hỏi trách nhiệm phải song hành!
TRIỆU PHONG