Hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 10-04-2014 | 00:00:00

Biến đổi khí hậu (BĐKH) được xem là một trong những nguy cơ lớn của toàn nhân loại. Hội thảo Quốc tế do Tổ chức ADRA thực hiện nhằm chia sẻ, thảo luận và học tập các kinh nghiệm, mô hình tiên tiến và thực tiễn tốt về thích ứng BĐKH vừa được tổ chức vào ngày 8-4 tại Hà Nội, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của BĐKH. Xu hướng phát thải khí nhà kính toàn cầu cho thấy đến năm 2100, trái đất có thể sẽ nóng thêm 4 độ C, làm cho Việt Nam sẽ gặp phải sự thay đổi nhiệt độ lớn.

 Thực tế đã diễn ra trong hai thập kỷ qua, ước tính mỗi năm Việt Nam đã thiệt hại từ 1 - 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Mặc dù Việt Nam chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính, nhưng lượng khí này của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Từ năm 2000-2010, lượng khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam đã tăng 180% và tổng lượng khí thải nhà kính tăng 150%. Dự báo đến năm 2050, mực nước biển ước tính sẽ dâng thêm 33cm và đến năm 2100 sẽ là 1m. Nếu mực nước biển dâng lên 1m thì 11% dân số của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, 7% đất nông nghiệp sẽ bị tác động và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm đi khoảng 10%.

Chúng ta đã thấy rõ, do tác động của con người làm cho môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Đó là sự phát triển các ngành công nghiệp với việc xây dựng hàng loạt nhà máy thải vào không khí nhiều loại khói bụi độc hại; nguồn nước thải từ các nhà máy này chưa qua xử lý đã thải ra môi trường, làm chết nhiều sinh vật, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc tàn phá những cánh rừng tự nhiên để làm các công trình thủy lợi, thủy điện, phát triển kinh tế cũng gây ra những hậu quả khôn lường về môi trường, môi sinh, nhiều loại động thực vật bị hủy diệt, lá phổi xanh cho con người cũng bị thu hẹp lại. Ngoài ra, các yếu tố phát triển đô thị, tập trung dân cư đông đúc, gia tăng rác thải, việc phát triển các loại xe cơ giới, sử dụng nhiều xăng dầu cũng đã làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm.

Ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên môi trường là công việc thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các ngành, các cấp, của mọi người dân. Đứng trước những thảm họa từ thiên nhiên, chúng ta cần nỗ lực rất cao để môi trường sống hôm nay và mai sau tốt đẹp hơn. Bên cạnh trách nhiệm của Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể trong việc ngăn chặn các hành động đe dọa, xâm hại đến môi trường, mỗi người chúng ta, bằng những việc đơn giản như không xả rác bừa bãi, sử dụng túi thân thiện môi trường thay thế cho túi ni lông, giảm lưu lượng giao thông bằng các phương tiện cá nhân… cũng sẽ ra sức góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ trái đất của chúng ta.

 MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=392
Quay lên trên