Trong khi các cơ quan chức năng, các địa phương đang nỗ lực với công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân với phương châm “không có ai bị bỏ lại phía sau” thì có những người vì những động cơ, mục đích cá nhân lại đưa những thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến công tác chung. Những hành vi này cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng xử lý một trường hợp vi phạm trên không gian mạng. Ảnh: THANH QUANG
Luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân
Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông tin chủ một cơ sở trọ trên địa bàn KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TP.Thuận An “đuổi nữ tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi khu trọ trong đêm vì nợ tiền phòng quá hạn”. Tuy nhiên, qua trao đổi với P.V Báo Bình Dương, lãnh đạo UBND phường Thuận Giao khẳng định “đó là thông tin sai sự thật”.
“Trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 này, TP.Thuận An đã quyên góp được nhiều lương thực kịp thời hỗ trợ cho công nhân. Trong lúc cán bộ làm nhiệm vụ, nếu xảy ra thiếu sót sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc và kịp thời chấn chỉnh trong thời gian tới để phục vụ nhân dân chu đáo hơn”, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An nói. |
Theo vị lãnh đạo này, “Chị B.T.K.S. (21 tuổi) là tình nguyện viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng trên địa bàn phường Thuận Giao. Lúc 22 giờ 20 phút ngày 16-8, sau ca làm việc, chị S. về phòng trọ nhưng bị chủ trọ khóa cửa. Chị S. gọi chủ trọ mở cửa, nhưng chủ trọ không nghe thấy. Chị S. gọi điện thoại cho bạn lấy gối, mền qua nhà trọ của bạn ngủ nhờ. Sau khi thông tin phát tán trên mạng xã hội, chúng tôi đã phân công cán bộ làm việc với các cá nhân liên quan. Qua thông tin của những người trong khu nhà trọ cung cấp thì bà N.T.H. (chủ cơ sở trọ) không có động thái đuổi chị S. ra khỏi khu trọ trong đêm như mạng xã hội lan truyền”.
Theo báo cáo của UBND phường Thuận Giao, hiện địa phương có gần 90.000 công nhân lao động. Nhằm góp phần tạo điều kiện cho người dân vượt qua khó khăn, lãnh đạo phường đã có thư ngỏ kêu gọi các chủ trọ chia sẻ với người ở trọ. Hưởng ứng chương trình này, hàng trăm cơ sở trọ trên địa bàn đã miễn hoặc giảm tiền thuê phòng. Nhiều chủ cơ sở trọ còn mua thực phẩm hỗ trợ cho người ở trọ. Phường Thuận Giao cũng đã cấp phát lương thực, thực phẩm cho hàng chục ngàn công nhân thật sự khó khăn. Tính đến chiều 18-8, địa phương đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho công nhân lao động với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Đề cập đến công tác vận động người dân tình nguyện tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo UBND phường Thuận Giao cho biết hiện địa phương có 94 tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Các tình nguyện viên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác, không nề hà việc khi được phân công nhiệm vụ trực chốt, tham gia test nhanh Covid-19.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.Thuận An diễn biến rất phức tạp. Để công nhân, người dân tạm trú trên địa bàn vượt qua khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội, các địa phương đã rất tích cực trong việc vận động chủ cơ sở trọ miễn giảm tiền thuê phòng. Đến nay, trên địa bàn có hàng ngàn chủ nhà trọ miễn giảm tiền cho người thuê trọ với tổng số tiền miễn, giảm ước tính hàng tỷ đồng”.
Thực tế thời gian qua các địa phương đã có nhiều cách làm linh động nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Tuy nhiên có những thông tin không chính xác khiến dư luận hiểu không đúng bản chất của vấn đề. Ngoài sự việc liên quan đến “nữ tình nguyện viên” như đã nêu ở trên, cách đây không lâu có một số thông tin cho rằng người dân quá khó khăn phải ra các ống cống trên địa bàn phường An Phú (TP. Thuận An) và Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An) để tá túc. Tuy nhiên qua khảo sát của chính quyền địa phương, những trường hợp này đa số là đối tượng nghiện ma túy kéo nhau ra đây sinh sống.
Với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, ngay sau đó những trường hợp này được đưa về test Covid-19 và ma túy, sau đó phân ra để có cách quản lý phù hợp. Chính quyền các địa phương cũng đã bố trí nơi ở tạm, bố trí thức ăn cho các trường hợp này, đồng thời liên hệ địa phương đến đưa người về quản lý. Những cách làm đồng bộ và nghĩa tình trên nhận được sự hài lòng của người dân, đó cũng chính là cách để người dân cùng đồng lòng phòng, chống dịch bệnh đang hết sức phức tạp như hiện nay.
Đưa “tin vịt”, có thể bị xử phạt đến 7 năm tù Theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật gây dư luận xấu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Trong đó, mức phạt với tội này là phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. |
Theo thống kê của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, từ đầu tháng 8 đến nay số vụ việc vi phạm trên không gian mạng tăng cao. Nguyên nhân vì thời điểm này thời lượng tương tác của người dùng tăng; người dùng chia sẻ, đăng các thông tin không được kiểm chứng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh tăng. Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi đọc, đăng và chia sẻ thông tin cần phải là những thông tin chính thống; chia sẻ một cách có trách nhiệm để tránh vi phạm pháp luật.
Nói về hành vi đưa thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh gây dư luận bất an, luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Công ty Luật Becamex, cho biết mức phạt đối với hành vi này như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức). Ngoài ra, còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 3 ngày theo quy định của pháp luật” (Quy định tại Điểm a Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều 5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
Từ ngày 15-4-2020, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang trong nhân dân thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng (theo Điểm a, d Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Đối với cá nhân thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức (theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020 NĐ-CP). Đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19 mà mình đã đăng tải.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức đưa thông tin không chính xác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Theo hướng dẫn tại Công văn số 45 ngày 30-3- 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự.
T.PHƯƠNG - T.QUANG