Hình thành các mô hình văn hóa gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân

Cập nhật: 05-01-2024 | 07:07:49

Cần đề xuất các phong trào xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết của quần chúng nhân dân; có giải pháp thực thi đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, hình thành các mô hình, giá trị văn hóa gắn bó chặt chẽ với đời sống, sinh hoạt thường nhật.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.

Trên đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2023, phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra chiều 4/1, tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có phạm vi, địa bàn hết sức rộng lớn, phong phú về hình thức, đa dạng về đối tượng tham gia, đòi hỏi cách tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, mới có thể đánh giá đầy đủ, chính xác, thiết thực.

Việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở (quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng, bố trí nguồn vốn đầu tư, chi phí quản lý, vận hành…), cần có quy định, định mức, chỉ tiêu cụ thể giao cho cấp ủy, chính quyền các cấp, với trách nhiệm giám sát của Ban Chỉ đạo phong trào các cấp. Trong đó, cơ chế, chính sách nguồn lực Nhà nước sẽ góp phần kích hoạt, tạo điều kiện cho người dân chủ động tham gia từng phong trào văn hóa.

Phó Thủ tướng lưu ý, cần có cơ chế theo dõi, khảo sát, đánh giá, tổng hợp phong trào văn hóa trên cả nước, từ đó tổng kết, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhân rộng mô hình xây dựng đời sống văn hóa phù hợp với đặc trưng, bản sắc ở từng địa bàn, vùng, miền. Cùng đó là đẩy mạnh phân cấp, khuyến khích, hỗ trợ MTTQ Việt Nam, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội trong tập hợp lực lượng, phát động và thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được xác định là phong trào nòng cốt trong phát triển đất nước với những hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước toàn diện, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Năm 2023, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện, cụ thể, tạo chuyển biến tích cực và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực góp phần xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng thôn, ấp, bản văn hóa được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm.

MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã tăng cường đổi mới công tác vận động, tuyên truyền nhân dân triển khai thực hiện các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng năm thôn mới, đô thị văn minh", "Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"... Nhiều phong trào thi đua đã trở thành điểm sáng, đi vào cuộc sống; được các cấp, ngành, xã hội và người dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tích cực, trách nhiệm.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao quần chúng được duy trì phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt phong phú, lành mạnh của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa trong cả nước được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xóa đói, giảm nghèo được phối hợp thực hiện, đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; hỗ trợ liên kết giữa hợp tác xã và hội nông dân với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi liên kết có sức cạnh tranh; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại...

Tại hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai phong trào; lựa chọn chủ đề, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024; bố trí nguồn lực phù hợp, kịp thời cho các hoạt động văn hóa… Các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất, năm 2024, cần tăng cường công tác phối hợp, thực hiện các giải pháp xây dựng, triển khai phong trào văn hóa đồng bộ, hiệu quả; kiên quyết đấu tranh với các hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa; tăng cường kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện phong trào tại địa phương.

Một số ý kiến đề nghị quan tâm đầu tư và có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả sử dụng các công trình thiết chế văn hóa...

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=545
Quay lên trên