Khai thác du lịch vịnh Hạ Long: Bao giờ “gà đẻ trứng vàng”?

Cập nhật: 25-07-2012 | 00:00:00
15 năm trước, từng có ý kiến cho rằng: Vịnh Hạ Long có thể trở thành "gà đẻ trứng vàng" nuôi được cả tỉnh Quảng Ninh, thậm chí hơn thế nữa. Nhưng đến nay, chưa thấy có quả trứng vàng nào của “con gà” đó.Tại hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - tầm nhìn mới” tổ chức ngày 24.7 tại TP.Hạ Long, nhiều kiến nghị đã được đưa ra nhằm thay đổi thực trạng hiện nay.  Hạ Long chính là một vùng văn hóa15 năm không thêm sản phẩmBí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - ông Phạm Minh Chính - từng có một nhận xét khá chính xác về dịch vụ du lịch Hạ Long: “Làm cơm thì tạm, làm cỗ thì không ổn”.Sự thực, theo Tổng cục trưởng Du lịch VN - ông Nguyễn Văn Tuấn:  Việc khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long vẫn tổ chức như cách đây 15 năm, hầu như không tạo ra được sản phẩm mới. Đó là tour với hành trình nhàm chán: Lên tàu - đi thăm vịnh, hang động - lên tàu và về bờ. Cũng đã có nhiều chủ trương, dự án phát triển sản phẩm trên vịnh, với những cái tên nghe rất mỹ miều, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ nằm trong ý tưởng. Do sản phẩm du lịch Hạ Long quá nghèo nàn, nên doanh thu của 10 khách sạn 4 sao ở đây chỉ ngang với khách sạn Metropole Hà Nội - khoảng 680 tỉ/năm.Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng:  Sản phẩm du lịch trên vịnh đã nghèo nàn, trên bờ cũng không khá hơn, nên nhiều khi thăm xong vịnh, ông chỉ muốn về thẳng Hà Nội. “Không bãi tắm đẹp, không resort đúng nghĩa. Đảo Tuần Châu chỉ là làng văn minh, chứ không phải resort. Cả thành phố Hạ Long không có nổi một cái rạp hát. Tối đến chẳng biết làm gì” - ông Vũ Khoan thẳng thắn.Chuyên gia Moon Koyoo Kim (Hàn Quốc) cho rằng, các sản phẩm du lịch Hạ Long chưa phát huy được bất kỳ nét văn hóa địa phương nào. Ông cho rằng, Hạ Long có rất nhiều điểm có thể kết nối để tạo thành một “Vành đai du lịch”, nhằm giữ khách qua nhiều ngày chứ không chỉ dừng ở mức trung bình 1,5 ngày/người như hiện nay.Tâm trạng chung: Quan ngạiVịnh Hạ Long đang bị tấn công từ nhiều phía, từ trên bờ lẫn dưới biển, từ các nhà máy ximăng, nhiệt điện, hoạt động khai thác than, các dự án lấn biển, nước thải cho đến các hoạt động du lịch, sinh hoạt của người dân ngay trên vịnh.15 năm qua đã chứng kiến hệ thống rừng ngập mặn, vốn là hàng rào bảo vệ cho vịnh Hạ Long ở ven bờ - hầu như bị hủy hoại hoàn toàn bởi những dự án bất động sản. Những cảnh báo của giới chuyên môn và đặc biệt là của UNESCO về những hệ lụy của các dự án lấn vịnh dường như không ngăn nổi  tham vọng của những người muốn mở rộng thành phố, khiến mặt vịnh ngày càng bị thu hẹp. Rất may, một loạt các dự án bất động sản lấn biển khác vừa bị bãi bỏ, cùng với chủ trương “không san đồi, không lấn biển” của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, nếu không, vịnh Hạ Long sẽ trở thành “miếng da lừa”.Điều quan ngại nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường nước trong vịnh. Giờ đây, muốn tìm lại nước vịnh màu xanh như xưa, có lẽ phải đi tàu ra cách bờ hàng kilômét. “Với tôi, những thách thức lớn nhất với vịnh Hạ Long hiện tại là tình trạng rác rưởi đầy mặt vịnh và nước biển bị ô nhiễm. Nhiều khi đi thăm vịnh, du khách cũng muốn đắm mình trong nước, nhưng không dám” - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - bà Katherine Muller Marin nói.Tại hội thảo, các đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng quy hoạch, xây dựng tùy tiện, khiến thành phố du lịch nham nhở như khu rừng cháy dở bởi đồi, núi bị “xẻ thịt”,  tàn phá không thương tiếc.Kiến trúc sư Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng - bày tỏ sự nuối tiếc về một thành phố có biển đẹp như Hạ Long, nhưng lại thiếu không gian phố biển. Ông Phạm Từ - nguyên Tổng cục phó Tổng cục Du lịch - cũng cho biết, ông từng tư vấn cho Hạ Long khi xây nhà ven bờ biển và trên đảo không được cao quá ngọn dừa, và nhà trước không được cao hơn nhà sau. Tuy nhiên, các công trình xây dựng ở Hạ Long hiện nay lố nhố, thấp cao theo ý thích.Cũng theo ông Phạm Từ, hội thảo lần này đặt ra tầm nhìn mới cho vịnh Hạ Long, nhưng những nội dung đưa ra thảo luận đều là những vấn đề rất cũ mà ông từng tham gia. Điều đó cho thấy nếu không có quyết tâm, có cách làm mới thì mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi.Ông Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - cho rằng, thách thức lớn nhất đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của vịnh Hạ Long là vấn đề nhận thức, mà hàng đầu là quan thức: “Những người đưa ra chính sách, quản lý và điều hành nếu tâm huyết, có tầm nhìn thì di sản sẽ được khai thác hiệu quả và bảo tồn tốt nhất”.Theo Lao Động
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=501
Quay lên trên