Khơi gợi lòng yêu nước

Cập nhật: 01-07-2014 | 14:20:51

Bác Hồ đã từng nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”. Thật vậy, yêu nước là truyền thống quý báu được hình thành, vun đắp từ hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Lịch sử dân tộc Việt ghi đậm dấu ấn, những trang vàng chói lọi xuyên suốt cả quá trình đấu tranh giữ nước trước các thế lực xâm lược từ bên ngoài. Do đó, việc giáo dục lòng yêu nước cho giới trẻ, trong đó đối với học sinh là hết sức quan trọng thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là tăng cường dạy và học môn lịch sử.

Chỉ riêng trong thời kỳ chống lại các thế lực phong kiến phương Bắc xâm lược, dân tộc Việt đã từng khẳng định chủ quyền, độc lập một cách hùng hồn thông qua lòng yêu nước nồng nàn. Cuối năm Bính Thìn (1076), nhà Tống ồ ạt đưa quân sang xâm lược nước ta. Quân đội Đại Việt lúc bấy giờ do Lý Thường Kiệt chỉ huy, đã tuyên bố: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (Sông núi nước Nam, vua Nam ở/Rành rành ghi rõ ở sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Sau đó, đội quân xâm lược của nhà Tống đã bị đập tan. Tương tự, mùa xuân năm 1428, “Bình Ngô đại cáo” ra đời để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống nhà Minh xâm lược, giành lại độc lập cho Đại Việt. Chủ quyền, độc lập một lần nữa được khẳng định: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Nước non bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác; /Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên/mỗi bên hùng cứ một phương…”.

Tất cả những thắng lợi trước các thế lực xâm lược từ bên ngoài có được nhờ lòng yêu nước. Đó là một tình cảm thiêng liêng, tạo nên sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, tình cảm thiêng liêng đó càng được vun đắp trong thời đại hôm nay.

Thực tế, một bộ phận học sinh đang lơ là, không yêu thích môn sử. Riêng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vừa qua, môn sử là môn ít thí sinh chọn nhất trong các môn thi tự chọn. Riêng trên địa bàn tỉnh trong các môn thi tự chọn thì môn lịch sử có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất 638/7.891 thí sinh dự thi. Vì thế, vấn đề đặt ra đối với những ai quan tâm đến vấn đề trên là tăng cường hơn nữa công tác dạy và học môn sử trong nhà trường.

Làm thế nào để học sinh yêu thích môn sử? Bên cạnh việc đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học môn lịch sử, rất cần phương pháp dạy học một cách khoa học hơn để phù hợp với sức học của học sinh. Đặc biệt, vai trò người thầy hết sức quan trọng, bởi thầy không đơn giản là người có tri thức, có nghiệp vụ sư phạm vững vàng, mà còn phải biết hướng tiết học sinh động, hào hứng, biết áp dụng các trang thiết bị phục vụ cho môn học để tạo học sinh thích thú khi học môn lịch sử.

Ai cũng biết, nội dung giáo dục lòng yêu nước cho học sinh ở bộ môn lịch sử hết sức phong phú, đa dạng. Qua mỗi bài học, sự kiện lịch sử trang bị cho học sinh niềm tin vững chắc vào lý tưởng, vào chính nghĩa, lòng tự hào dân tộc. Đó cũng là cách giáo dục cho học sinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Từ đó, hình thành cho các em ý thức yêu nước gắn với tình yêu quê hương để ra sức học tập, xây dựng và bảo vệ đất nước.

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên