Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”. Người yêu cầu đảng viên không chỉ giữ gìn kỷ luật của Đảng mà còn phải “giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”. Thực hiện lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã và đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên (Nghị quyết 22 khóa X) có thể nói là một trong những nghị quyết đầu tiên nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới. Nghị quyết 22 (khóa X) đặc biệt chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua 10 năm thực hiện nghị quyết, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Có thể khẳng định, thực hiện nghị quyết này, các cơ sở Đảng đã từng bước khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ đó, giúp tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên từng bước đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới của những năm tiếp theo, Trung ương Đảng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trung ương Đảng xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”. Từ yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra, Trung ương Đảng tiếp tục ban hành thêm hai Nghị quyết tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Khác với Nghị quyết 22 (khóa X) là chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chú trọng giải pháp tự phê bình và phê bình; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đề cao nhóm nhiệm vụ, giải pháp tự phê bình và phê bình gắn với kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của chế độ và của đất nước, là khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và thường xuyên của Đảng. Hy vọng với việc nâng cao kỷ luật, siết chặt kỷ cương đối với cán bộ, đảng viên theo tinh thần các nghị quyết nói trên sẽ tạo khí thế mới, xung lực mới, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xứng đáng với niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
LÊ QUANG